Mất 2,8 tỷ khi đăng ký “khóa tu hè” cho con
Công an TP Hà Nội vừa thông tin về việc một phụ nữ tên H. bị lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 2,8 tỷ đồng khi đăng ký cho con tham gia khóa tu mùa hè.
Đáng chú ý, khi nghiên cứu các khóa tu mùa hè cho con, chị H. (sinh sống tại Hà Nội) đã kết nối với tài khoản Facebook tên “Tu sinh mùa hè” để đăng ký.
Sau đó, một người xưng là “Trưởng ban Tu sinh” đã đưa nạn nhân vào nhóm Telegram và yêu cầu mua vật phẩm phong thủy của nhà tài trợ cho khóa tu, khẳng định sau đó sẽ được hoàn tiền lại ngay.
Với thủ đoạn này, chỉ trong vòng 2 ngày, nạn nhân đã bị các đối tượng chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng.
Trước đó, Công an TP Hà Nội thông tin, vào ngày 26/2, Công an thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) đã tiếp nhận đơn trình báo của chị N. (SN 1993, sinh sống ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) về việc có lên mạng xã hội Facebook để tìm hiểu và đăng ký cho con làm người mẫu ảnh nhí.
Với lời mời chào hấp dẫn, chị N. đã bị dẫn dụ làm nhiệm vụ mua sản phẩm, sau đó mới được đăng ký cho con làm người mẫu ảnh nhí. Chị N. đã đến cơ quan công an trình báo khi chị đã chuyển 11 lần với số tiền hơn 300 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng đã không được hoàn lại.
Mới đây, nhiều trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng có thông báo khẩn gửi đến phụ huynh cần cảnh giác hình thức lừa đảo đăng ký trại hè kỹ năng.
Nội dung cảnh báo cho biết, hiện nhiều trang mạng có tên "Trại hè kỹ năng - Học kỳ Công an nhân dân" đăng thông tin quảng cáo sẽ tổ chức chương trình trại hè cho học sinh trên địa bàn Đà Nẵng tại địa chỉ 183A Phan Đăng Lưu và 80 Lê Lợi, Thạch Thang (quận Hải Châu).
Nhiều phụ huynh rất quan tâm đến hình thức trại hè này và liên hệ với các trang trên để tìm hiểu thông tin, đăng ký.
Ngay sau đó, cơ quan Công an Đà Nẵng cũng cho biết, hoạt động trại hè hình thức “Học kỳ Công an nhân dân” chỉ có Đoàn Thanh niên công an các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đứng ra chủ trì tổ chức. Ngoài ra, không có đơn vị nào khác được phép tổ chức. Tại Đà Nẵng, Ban Thanh niên Công an thành phố chưa tổ chức hoạt động này.
Học viện Hàng không Việt Nam cũng mới phát cảnh báo về tình trạng hàng loạt Fanpage giả mạo Học viện Hàng không Việt Nam quảng cáo khóa học trải nghiệm hàng không hè cho học sinh.
Cần tỉnh táo tránh để tiền mất tật mang
Theo các chuyên gia an ninh mạng, trong thời điểm này, nhu cầu tìm các khóa học ngắn hạn, khóa học hè hay khóa học kỹ năng cho trẻ em đang dần tăng cao.
Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng tâm lý và nhu cầu của phụ huynh để thiết kế ra những “khóa học” đặc sắc, chạy quảng cáo rầm rộ trên các mạng xã hội như FB, Zalo, Telegram… nhằm dụ dỗ, thao túng tâm lý để chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, các đối tượng thường sẽ tiến hành theo các bước: Bước đầu tiên là quảng cáo: Kẻ lừa đảo thường sử dụng các trang mạng xã hội để quảng cáo rầm rộ về những khóa học hè ngắn hạn với mức học phí hấp dẫn.
Tiếp theo là sử dụng thông tin lừa đảo: Các đối tượng có thể sử dụng thông tin giả mạo về việc tổ chức các khóa học, bao gồm giả danh các tổ chức giáo dục hoặc trường học đã được biết đến; để tạo độ uy tín, tin cậy và tăng tính thuyết phục.
Kết hợp với các thông tin giả mạo, những đối tượng lừa đảo còn sử dụng các kỹ thuật xã hội: như tạo ra một cộng đồng, hội nhóm trên mạng xã hội giả mạo hoặc sử dụng các bài đăng giả mạo trên mạng xã hội để tạo ra vẻ tin cậy và khuyến khích nạn nhân tin tưởng vào đối tượng.
Sau khi tạo được niềm tin, các đối tượng sẽ thu hút nạn nhân thông qua các ưu đãi đặc biệt như giảm học phí, phần thưởng hấp dẫn. Đồng thời, để nhanh chóng dụ dỗ nạn nhân vào bẫy, các đối tượng thường đặt áp lực thời gian, tạo ra cơ hội cần phải hành động ngay lập tức.
Khi các phụ huynh đã đăng ký khóa học, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng một số chiêu thức để chiếm đoạt tài sản như: Yêu cầu thanh toán trước và sau đó biến mất hoặc yêu cầu mua vật phẩm “ảo” cho các “nhà tài trợ”. Vì vậy, các phụ huynh phải luôn cẩn trọng và tỉnh táo khi tìm kiếm khoá học hè cho con.
Các bậc phụ huynh cần kiểm tra và xác minh thông tin từ các nguồn đáng tin cậy trước khi đưa ra quyết định, cũng như không nên để bị áp đặt bởi áp lực thời gian hay cam kết hấp dẫn mà không được hỗ trợ bằng minh chứng cụ thể. Đặc biệt, hãy luôn cảnh giác với các ưu đãi quá hấp dẫn.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định.
Để tránh bị mất tiền oan, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến cáo người dân cảnh giác trước các hình thức mạo danh các đơn vị tổ chức trại hè để lừa đảo.
Người dân khi nhận được thông tin từ các trang Facebook có nội dung tương tự như trên, cần điện thoại liên hệ và gặp trực tiếp yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh họ là tổ chức hợp pháp và được phép tổ chức các sự kiện trên để đăng ký.
Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền. Trong trường hợp nếu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Minh Châu
Báo Lao động Xã hội số 46