Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Cảnh báo tình trạng loạn thần, hoang tưởng do dùng chất kích thích

Lê NhuậnLê Nhuận
Lê NhuậnLê Nhuận

(Dân sinh) - Thời gian gần đây tại Đắk Lắk, số bệnh nhân nhập viện vì bệnh rối loạn tâm thần do sử dụng chất kích thích ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Bác sĩ Nguyễn Thị Luyến, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk cho biết, những năm gần đây, số bệnh nhân nhập viện bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy ngày càng tăng cao. Đa phần bệnh nhân mắc bệnh ở độ tuổi 20-32, thậm chí, có trường hợp mới 16 tuổi sử dụng ma túy phải nhập viện điều trị.

Bệnh nhân sử dụng ma túy phân ra làm ba nhóm, nhóm ma túy thuộc chất thuốc phiện, nhóm ma túy thuộc chất kích thần và nhóm cần sa.

Ma túy có tác hại rất lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người sử dụng như: thường xuyên chán ăn, đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, có biểu hiện tăng tần số hô hấp, kích thích hô hấp, suy hô hấp, trường hợp nặng có thể suy hô hấp ngừng thở và tử vong, co thắt động mạch vành, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, mất trí nhớ, giảm trí nhớ, viêm dây thần kinh và một số triệu chứng nặng nề có thể hôn mê, mất ý thức, ảnh hưởng đến hệ sinh dục. 

Bệnh nhân nhập viện điều trị tùy theo dạng ma túy sử dụng sẽ có triệu chứng khác nhau như: trầm cảm, hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi, đập phá đồ đạc hoặc gây rối an ninh trật tự, đôi khi chưa được sự hợp tác và thông cảm của người nhà bệnh nhân nhất là trong việc cố định bệnh nhân để áp dụng các phương pháp trong điều trị... làm cho công tác điều trị người bệnh khó càng thêm khó.

Cụ thể như trường hợp của H.N.L. (SN 1995, ngụ huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) nghiện ma túy đã 3 năm.

Thời gian gần đây, L. thường xuyên mất ngủ, trong đầu lúc nào cũng nghĩ có người đuổi đánh, dọa giết. Lần đầu, gia đình đưa L. vào bệnh viện điều trị 17 ngày. Thấy tinh thần L. ổn định, các bác sĩ đã cho xuất viện về nhà, nhưng chỉ vài ngày sau đó, bệnh nhân phát bệnh trở lại, gia đình phải đưa vào bệnh viện để tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân điều trị bệnh loạn thần tại BV.jpg
Bênh nhân đang điều trị bệnh tại bệnh viện Tâm Thần (Ảnh: H.C).

Vì tò mò, T. (SN 1996, trú phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) đã trượt dài không lối ra do sử dụng ma túy quá nhiều. Đầu óc T. lúc nào cũng căng thẳng, dễ bị kích động, hoang tưởng, ảo giác, không làm chủ được bản thân, có những hành động tiêu cực. Gia đình đã nhiều lần khuyên bảo nhưng do T. không từ bỏ được ma túy nên đành đưa vào bệnh viện điều trị.

T. kể lại: “Ban đầu em sử dụng thuốc lá điếu được đóng gói trong các vỏ bao màu sắc sặc sỡ, in nhãn hiệu Dominic. Khi mới sử dụng, thuốc giúp em giảm lo âu, vượt qua sự chán nản, căng thẳng và rất hưng phấn, sau đó em chuyển qua sử dụng ma túy nặng hơn. Do em sử dụng nhiều quá nên giờ mất hết lí trí, chỉ thấy toàn ảo giác”.

Đến khi bệnh trở nặng thì T. mới nhập viện theo dõi và điều trị nhưng cứ cai rồi lại nghiện.

Ngoài việc sử dụng ma túy gây ra bệnh loạn thần, người uống rượu thường xuyên  sẽ trở nên nghiện rượu cũng là nguyên nhân gây ra rất nhiều biến chứng về tiêu hóa, tổn thương đến gan mật cũng như thần kinh, trong đó, chứng loạn thần do rượu có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Theo số liệu tổng hợp của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, trung bình mỗi tháng đơn vị tiếp nhận khám và điều trị hơn 40 trường hợp bệnh nhân bị chứng loạn thần do rượu. Tất cả những bệnh nhân này đều có chung tiền sử nghiện rượu, phần lớn là nam, từ 40 tuổi trở lên.

Như trường hợp anh T. Đ.H. (32 tuổi, ở huyện Krông Ana) có tiền sử nghiện rượu, cách đây vài ngày, bệnh nhân có biểu hiện run rẩy, hay giật mình hoảng hốt, lo lắng, lên cơn co giật, mê sảng, nên người nhà phải đưa đến Bệnh viện Tâm thần cấp cứu.

Bác sĩ Hoàng Thị Duyên, Trưởng Khoa Động kinh, nghiện chất, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết, rượu là một chất kích thích tác động tâm thần mạnh.

Những người thường xuyên uống rượu, uống với mức độ nhiều và nghiện lâu ngày sẽ có khả năng bị một số bệnh thần kinh, như: loạn thần do rượu (có biểu hiện rối loạn cảm xúc, hành vi, hoang tưởng, ảo giác…), sảng rượu (người bệnh có biểu hiện run, hoảng hốt, lo âu, trầm cảm, ý thức mê sảng hoặc lú lẫn…), hoang tưởng.

Để phòng tránh các bệnh do rượu và các chứng rối loạn tâm thần do rượu, nên hạn chế sử dụng các chất kích thích như: rượu, bia, người nghiện rượu cần phải được cai nghiện.