Minh Hằng (ở Bắc Ninh) vừa trải qua kỳ thi căng thẳng vào lớp 10. Khi biết học sinh khuyết tật được tuyển thẳng, con đã hỏi mẹ: “Mẹ ơi, có công bằng không khi chúng con phải học ngày học đêm mới có thể đỗ lớp 10, còn các bạn khuyết tật chẳng cần thi cũng vào được?”.
Chị Thu Ngân, mẹ Minh Hằng, đã hỏi lại con: “Trường cấp III của con có bao nhiêu bạn khuyết tật?”. Khi Minh Hằng trả lời chỉ có một bạn, chị tiếp tục: “Con nghĩ làm người khuyết tật có sướng hơn người bình thường không?”, Minh Hằng im lặng, dần hiểu sự thiệt thòi của những bạn không may mắn.
Chị Thu Ngân giải thích với con rằng, chính sách tuyển thẳng giúp học sinh khuyết tật có cơ hội tiếp cận giáo dục và phát triển bản thân một cách bình đẳng. Đây là minh chứng cho một xã hội nhân văn và công bằng và phát triển bền vững.
Giống như Minh Hằng, không ít trẻ em chưa có sự thấu hiểu và cảm thông với người khuyết tật. Vì vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần giáo dục cho con về lòng nhân ái, sự thấu hiểu, tôn trọng sự khác biệt, cũng như cách cư xử văn minh và đúng mực đối với người khuyết tật.
Tôn trọng sự khác biệt
Cha mẹ nên giúp con hiểu không ai giống ai và sự khác biệt này có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Cuộc sống rất đa dạng và con cần học cách tôn trọng sự khác biệt.
Sự khác biệt về khả năng không làm giảm giá trị của bất kỳ ai. Người khuyết tật cũng giống như tất cả mọi người, có giá trị và có quyền được đối xử công bằng.
Khuyến khích sự đồng cảm
Cha mẹ có thể đọc sách, cùng con xem phim hoặc các chương trình về người khuyết tật với nội dung tích cực để trẻ có góc nhìn cảm thông hơn. Đó có thể là câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký và bàn chân diệu kỳ, hay câu chuyện về người đàn ông không tay không chân Nick Vujicic (úc) đã nỗ lực vươn lên để trở thành một diễn giả truyền cảm hứng nổi tiếng khắp thế giới…
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu những khó khăn mà họ phải đối mặt. Đồng thời, cần dạy trẻ tôn trọng cảm xúc và lòng tự trọng của người khuyết tật.
Dạy con cách cư xử và giao tiếp phù hợp
Cha mẹ nên dạy con cách nói chuyện và ứng xử với người khuyết tật lịch sự và tự nhiên, tránh thái độ thương hại hay kỳ thị.
Trẻ nên biết rằng, người khuyết tật cũng có khả năng và mong muốn tự lập, vì vậy việc giúp đỡ không phải lúc nào cũng cần thiết. Nếu trẻ muốn giúp đỡ một người khuyết tật, con nên hỏi trước khi hành động để tránh gây cảm giác khó chịu đối với người được giúp.
Giáo dục về trách nhiệm xã hội và hỗ trợ cộng đồng
Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật như: Tham gia làm từ thiện, tham gia sự kiện nâng cao nhận thức hoặc lớp học bảo vệ quyền lợi người yếu thế.
Cha mẹ cũng có thể cùng trẻ thực hành giúp đỡ người khuyết tật trong các tình huống cụ thể: hỗ trợ qua đường, giúp mang vác đồ nặng…
Đôi khi, cha mẹ có thể đề xuất trẻ tham gia những hoạt động dài hạn hơn, như dạy tiếng Anh hay mỹ thuật miễn phí cho trẻ em khuyết tật. Những hành động này không chỉ thể hiện lòng nhân ái mà còn giúp người khuyết tật hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.
Làm gương cho con trong hành động và suy nghĩ
Cha mẹ hãy làm gương cho con thông qua việc giao tiếp tôn trọng và hòa nhã với người khuyết tật. Con sẽ học được cách cư xử từ những gì cha mẹ thể hiện hằng ngày.
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy giải thích rõ cho con hiểu việc thiếu tôn trọng hay phân biệt đối xử với người khuyết tật là hành vi sai trái và cần lên án.
Dạy trẻ về quyền lợi của người khuyết tật
Người khuyết tật là đối tượng yếu thế, được Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều trẻ em không biết các quy định này. Bạn nên nói cho con biết các quyền của người khuyết tật, như quyền được học tập, làm việc và tham gia các hoạt động xã hội. Đồng thời, cha mẹ khuyến khích chia sẻ những hiểu biết này với bạn bè để lan tỏa thông điệp tích cực trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy dạy con biết đứng lên bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật khi thấy họ bị đối xử bất công.
Giáo dục trẻ về sự tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ người khuyết tật không chỉ giúp trẻ phát triển lòng nhân ái và sự đồng cảm mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, bao dung. |
Thanh Huyền
Ấn phẩm Vì trẻ em số 22