Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Người rà phá bom ở cầu Hàm Rồng quan tâm “chắp cánh” cho người khuyết tật

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Là thương binh hạng 2/4 với nhiều năm cống hiến trong ngành LĐ-TB&XH, hơn 20 năm qua, bác sĩ Lê Thành Đô đã vận động và trực tiếp lắp chân, tay giả, áo, nẹp chỉnh hình miễn phí cho gần 1.000 người khuyết tật (NKT) trên khắp cả nước.

 Đến nay, mặc dù đã gần 80 tuổi nhưng người bác sĩ - thương binh ấy vẫn tiếp tục công việc giúp đỡ những người kém may mắn vươn lên trong cuộc sống.

Lập nhiều chiến công trong rà phá bom ở cầu Hàm Rồng

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Năm 1963, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai Lê Thành Đô viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, được đi học hạ sĩ quan công binh và trực tiếp làm nhiệm vụ rà phá bom mìn.

Anh 1 BS Le Thanh DO.jpg
 Bác sĩ Lê Thành Đô kiểm tra chân giả sau khi lắp cho NKT.

Từ năm 1965 - 1966, đơn vị của ông được cử tham gia chiến đấu chống máy bay Mỹ ném bom ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Đây là mục tiêu đánh phá hàng đầu của đế quốc Mỹ nên cuộc chiến đấu bảo vệ cây cầu và huyết mạch giao thông này diễn ra rất ác liệt do máy bay địch đánh phá không kể ngày đêm trong một thời gian dài.

“Với nhiệm vụ tháo bom và rocket do máy bay Mỹ ném xuống khu vực cầu, tôi không sợ hy sinh gian khổ cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là chiến công vào tháng 8/1965, một quả bom nặng khoảng 450kg có hai đầu nổ do máy bay địch ném trúng trụ giữa của cầu Hàm Rồng nhưng không nổ, cần phải giải quyết ngay nếu không hậu quả sẽ khôn lường.

Ngay trong đêm, mặc dù trời mưa gió nhưng tiểu đội do tôi làm Tiểu đội trưởng và các chiến sĩ khác được giao nhiệm vụ phá quả bom đã nỗ lực hết sức và cuối cùng tháo được đầu nổ, vô hiệu hóa và đưa quả bom ra khỏi cầu một cách an toàn”, thương binh Lê Thành Đô nhớ lại.

Tuy nhiên, vào cuối năm 1965, trong khi đang làm nhiệu vụ phá bom ở cầu Hàm Rồng, không may ông bị thương với tỷ lệ thương tật 61%, xếp hạng 2/4. Do sức khỏe giảm sút, không thể tiếp tục công việc, đơn vị đã điều chuyển ông về Trại An dưỡng thương binh Thanh Hóa. Tại đây, ông nỗ lực ôn tập văn hóa và đến năm 1970 thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội. 

Sau khi tốt nghiệp (năm 1976), ông về nhận công tác tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Hà Bắc). Ông đem kiến thức chuyên môn học được để chăm sóc thương binh nặng - phần lớn là những người bị liệt cột sống và đã gắn bó 10 năm tại đây với cương vị Trưởng phòng Y tế.

Năm 1985, ông được chuyển về Hà Nội làm chuyên viên Viện Chỉnh hình phục hồi chức năng. Năm 1989 ông là Phó Chủ nhiệm Dự án song phương giữa “Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam” về lĩnh vực đào tạo kỹ thuật viên chỉnh hình và kiêm Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật Chỉnh hình (thuộc Trường Cao đẳng Lao động - Xã hội) cho đến khi hưu năm 2005.

Hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình cho gần 1.000 NKT

Ok Anh 2 BS Le Thanh Do.jpg
Trung tâm của bác sĩ Lê Thành Đô luôn có rất đông NKT đến thăm khám, trong đó có nhiều trẻ em.

Từ những kiến thức chuyên sâu tích lũy được sau gần 30 năm gắn bó với ngành chỉnh hình, phục hồi chức năng cho thương binh và NKT, bác sĩ Lê Thành Đô luôn đau đáu nỗi niềm được giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Vì thế, ông lên ý tưởng thành lập phòng khám nhỏ tại nhà riêng ở số 1, ngách 5, ngõ Gốc Đề, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Kinh tế gia đình eo hẹp, song được sự động viên, hỗ trợ về phương tiện máy móc, vật tư của các tổ chức phi chính phủ, chuyên gia nước ngoài quen biết trong quá trình thực hiện các dự án, ông đã giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh kém may mắn. 

Mặc dù vậy, ông vẫn luôn ấp ủ ước mơ thành lập cơ sở chuyên sản xuất, cung cấp miễn phí dụng cụ chỉnh hình cho NKT có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2004, bác sĩ Lê Thành Đô đã dồn hết tâm huyết để thành lập Trung tâm Tư vấn trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho NKT.

“Tôi là người lính bị thương từ chiến trường trở về, tuy không còn nguyên vẹn về  thân thể nhưng vẫn may mắn hơn biết bao đồng đội phải nằm lại chiến trường. Là thương binh nên tôi rất hiểu, thông cảm về nỗi mất mát, thiệt thòi và sự khó khăn của NKT, mặt khác tôi lại được học và có ít kiến thức về dụng cụ chỉnh hình nên muốn làm gì đó để giảm bớt khó khăn cho đồng đội và những người bị khuyết tật như tôi”,  bác sĩ Lê Thành Đô nói về mục đích thành lập trung tâm.

Thời gian đầu khi mới thành lập, trung tâm gặp rất nhiều khó khăn do nguồn kinh phí eo hẹp, bác sĩ Lê Thành Đô đã phải trích ra phần lớn tiền lương hưu của mình để đầu tư trang thiết bị. Thế nhưng, đồng lương của người bác sĩ già cũng không thấm vào đâu so với chi phí cần thiết để duy trì hoạt động của trung tâm vào thời điểm đó.

Để khắc phục khó khăn, ông đi vận động các tổ chức nhân đạo, đại sứ quán, nhà hảo tâm ủng hộ chi phí làm dụng cụ chỉnh hình cho NKT. Khi nguồn kinh phí đã ổn định, ông và các cộng sự mới có thể yên tâm với công việc chuyên môn.

Anh 2 BS Le Thanh DO.JPG
Dù đã gần 80 tuổi nhưng bác sĩ Lê Thành Đô vẫn luôn tìm tòi, nghiên cứu để sản xuất dụng cụ chỉnh hình cho NKT. 

Hơn 20 năm qua, căn nhà nhỏ của bác sĩ Đô tại phường Minh Khai lúc nào cũng đông NKT, có lúc lên đến 25-30 người. Dù bệnh nhân đông nhưng vị bác sĩ già luôn nhẹ nhàng thăm khám, chu đáo động viên từng người.

Trong số những người được bác sĩ Lê Thành Đô lắp chân giả thành công, chị Nguyễn Thị Then (SN 1975, ở thôn Trung Lập, xã Trí Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) là một trong những người may mắn.

Chị cho biết: “Tôi bị cụt hai chân dưới gối, nhờ được bác sĩ Đô lắp chân giả, tôi có thể tự chăn nuôi lợn, làm hàng thủ công và đi giao nhận hàng, không những nuôi sống bản thân mà còn hỗ trợ kinh tế gia đình. Việc làm hết sức ý nghĩa của trung tâm không những giúp NKT chúng tôi vận động tốt hơn, mà còn là tấm vé của niềm tin và hy vọng hỗ trợ những người kém may mắn hòa nhập cuộc sống đời thường”.

Hay như bệnh nhân Tạ Đình Hương (SN 1978, thôn Gia Phú, xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), từ một người lành lặn nhưng sau vụ tai nạn đã mất đi đôi chân. Nhờ được bạn bè giới thiệu đến với xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình của bác sĩ Lê Thành Đô, ngoài việc được khám, tư vấn, lắp chân giả miễn phí, anh còn được động viên, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống. Với sự giúp đỡ tận tình của ông, giờ đây anh đã tự mở trại chăn nuôi gà, vịt, lo cho cuộc sống của mình và nuôi con ăn học.

Kể từ khi nghỉ hưu đến nay, bác sĩ Lê Thành Đô luôn bận rộn hơn với công việc từ thiện. Bằng nhiều hình thức khác nhau, từ vận động trực tiếp hay thông qua mạng xã hội (email, zalo, thư ngỏ...), trung tâm của ông đã vận động các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước như: Tổ chức Lilian Foudation (Hà Lan); Tổ chức UniReach International (Mỹ); Tổ chức YoungSan - ChoYoungki Foudation (Hàn Quốc); Tổ chức Phong (Hà Lan); Tổ chức từ thiện của Đại sứ quán Úc... cùng nhiều cá nhân tài trợ hàng tỷ đồng để  thực hiện các chương trình hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình.

Từ năm 2004 đến nay, trung tâm đã cung cấp chân, tay giả, áo, nẹp chỉnh hình miễn phí cho trên 900 lượt NKT, cùng với đó là gần 500 triệu đồng giúp cho 30 trẻ em bị khuyết tật vận động được phẫu thuật.

Trải qua gần 50 năm kinh nghiệm làm dụng cụ chỉnh hình, giờ đây người thương binh - bác sĩ Lê Thành Đô dường như vẫn chưa bằng lòng với những gì mình đã làm được. Ông luôn tìm tòi, học hỏi để đưa kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả áp dụng vào xưởng sản xuất của mình; đồng thời không ngừng nghiên cứu, lao động để làm ra được những chiếc tay, chân giả tốt nhất với chi phí thấp nhất cho người nghèo không may bị khuyết tật để giúp họ có được cuộc sống tốt hơn. Những dụng cụ chỉnh hình của người bác sĩ - thương binh Lê Thành Đô chính là niềm động viên vô giá cho NKT và gia đình, giúp họ có sức khỏe tốt hơn, tự tin, lạc quan trong cuộc sống. 

Với những đóng góp cho cộng đồng, bác sĩ Lê Thành Đô đã được nhận Kỷ niệm chương của Bộ LĐ-TB&XH, được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Bằng khen “vì đã đạt giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2018” cùng rất nhiều bằng khen, giấy khen của các ban, ngành, đoàn thể.

 

Thuỳ Hương

Báo Lao động và Xã hội số kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Tin liên quan