
Trước đó: Ngày 7/9, Công an tỉnh Gia Lai đã có kết quả điều tra, xác minh ban đầu đối với vụ bé trai 5 tuổi nghi bị bạo hành tại điểm nuôi dạy trẻ ở số 57 đường Trần Nhật Duật TP Pleiku tỉnh Gia Lai dẫn tới tử vong.
Tại điểm nuôi trẻ khuyết tật số 57 Trần Nhật Duật do bà Phạm Thị Hồng (SN 1957), trú phường Ia Kring, TP Pleiku tỉnh Gia Lai làm chủ, hoạt động từ năm 2016 đến nay nhưng không có giấy phép. Cơ sở này hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 35 trẻ bị khuyết tật về trí tuệ.
Sự việc xảy ra vào khoảng 12h ngày 1/9, bà Hồng đã nhờ Nguyễn Ngọc Duyên (SN 2003) bị khuyết tật dạng thần kinh, tâm thần trí tuệ nặng, cho cháu H.D.T.K (SN 2019), trú huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc; khuyết tật, thiểu năng trí tuệ ăn cơm.
Lúc này Duyên dẫn cháu K vào phòng nghỉ trưa, đóng cửa lại và đút cơm cho ăn. Khi mới ăn được một thìa cơm K đã bị ói nên Duyên dùng chân đạp nhiều lần vào vùng bụng, lưng của cháu K Thấy K bất tỉnh, Duyên bế cháu K sang văn phòng gọi bà Hồng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim, ngừng thở và sau đó cháu K tử vong.
Căn cứ tính chất, mức độ hành vi và nhân thân của Nguyễn Ngọc Duyên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Pleiku giao cho bà Phạm Thị Hồng bảo lãnh và quản lý Duyên để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Tại tỉnh Đắk Lắk, vào đầu tháng 7/2024, qua phản ánh của người dân, lực lượng chức năng của TP Buôn Ma Thuột cũng đã kiểm tra và phát hiện một điểm giữ trẻ tự phát ở phường Tân Lợi có dấu hiệu bạo hành trẻ em.
Cụ thể sự việc xảy ra vào tối 9/7, một đoạn clip ngắn được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh bốn cháu nhỏ được một phụ nữ đút cơm ăn. Lúc cho ăn, người phụ nữ nhiều lần dùng tay tát vào mặt các cháu nhỏ vì biếng ăn, ăn chậm…
Qua xác minh đã xác định người phụ nữ trong clip là bà Trịnh Thị Ng. (SN 1985, trú phường Tân Lợi) và cũng là chủ của điểm giữ trẻ tự phát này. Bà Ng. thừa nhận hằng ngày nhận giữ năm trẻ (trong đó có bốn trẻ là con cháu trong nhà và một trẻ là con của bạn mình gửi); trong quá trình chăm sóc, do có một cháu không chịu ăn nên có ép và tát vào má cháu bé.
Ngày 11/7, UBND TP Buôn Ma Thuột ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với bà Ng. với số tiền hơn 11 triệu đồng.
Mới đây dư luận cả nước bàng hoàng và phẫn nộ trước những thông tin về việc trẻ em bị bạo hành xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP Hồ Chí Minh) mà báo chí đã phản ánh.
Đây là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng LĐ-TB&XH quận 12 cấp phép hoạt động, có chức năng, nhiệm vụ là trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, sống lang thang.
Ngay sau khi nhận được phản ánh về tình trạng ngược đãi trẻ em xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng, lực lượng chức năng đã có mặt tại đây để xác minh, kiểm tra. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận 85 trẻ có mặt tại mái ấm, trong khi theo giấy phép, cơ sở này chỉ được nuôi không quá 39 trẻ; số nhân viên tại thời điểm kiểm tra là 15 người.

Hiện tại, lực lượng chức năng đang tạm giữ chủ cơ sở và một số bảo mẫu khác để điều tra về hành vi ngược đãi, bạo hành trẻ em. UBND quận 12 đã quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của mái ấm Hoa Hồng; lực lượng công an cũng đang điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại mái ấm này.
Để hạn chế tình trạng này chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình; hướng dẫn gia đình, cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em.