Thời điểm hiện tại, sức nóng của kỳ thi khiến phụ huynh, học sinh lứa 2009 đứng ngồi không yên. Giải pháp nào tháo gỡ tình trạng này?
Kỳ 3: Làm gì để “hạ nhiệt” cuộc đua?
Cần làm tốt hơn nữa công tác phân luồng học sinh
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2023, Tuấn Thành (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trượt cả 2 nguyện vọng. Dự định ban đầu của gia đình cho Thành theo học chương trình 9+ tại trường cao đẳng nghề, nhưng sau đó, gia đình thay đổi kế hoạch vì con chưa biết mình phù hợp nghề nào, nên quyết định cho Thành học tại một trường THPT ngoài công lập dù hơi xa nhà, đợi khi nào tốt nghiệp sẽ tính tiếp.
Chị Thanh Trúc (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị rất lo lắng khi năm nay con trai chị thi vào lớp 10, kỳ thi được đánh giá là căng thẳng hơn thi đại học. Dù biết có nhiều áp lực nhưng gia đình luôn mong muốn con đỗ vào trường THPT công lập đúng tuyến, không phải đi học quá xa và không phải học hệ giáo dục thường xuyên hoặc trường nghề.
“Các con đang ở độ tuổi mà mọi suy nghĩ còn nông nổi, vì thế việc cho con học nghề là điều chưa bao giờ chúng tôi mong muốn. Nếu con thi trượt vào lớp 10 công lập, không đỗ nguyện vọng nào, gia đình sẽ cố gắng cho con theo học một trường THPT dân lập với mức học phí phù hợp điều kiện kinh tế gia đình”, chị Trúc chia sẻ.
Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân quá tải vào lớp 10 trường công hiện nay là do công tác phân luồng hướng nghiệp ở bậc THCS tại Hà Nội chưa hiệu quả. Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội qua các năm cho thấy, dù số lượng học sinh tham gia học nghề có tăng nhưng chưa đáng kể so với mục tiêu đề ra.
Ví dụ, năm học 2020-2021, toàn thành phố chỉ có hơn 15.000 em học nghề; năm 2021-2022 có hơn 17.000 em; năm 2023-2024 có hơn 129.000 học sinh tốt nghiệp THCS, số học sinh trúng tuyển vào các trường THPT công lập là hơn 78.600 em, nhưng chỉ có hơn 17.000 em (chiếm tỷ lệ 13,4%) vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong khi tại nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã thực hiện tốt việc phân luồng từ sau bậc THCS. Khi học xong kiến thức nền tảng (hết lớp 9), chỉ những em giỏi, có năng lực nghiên cứu, phát triển chuyên sâu mới tiếp tục học lên THPT và đại học, những em khác định hướng học nghề.
Liên quan tới việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, giáo viên một trường THCS tại quận Hoàng Mai chia sẻ, công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp ở bậc THCS vẫn gặp khó với giáo viên.
Ở lớp cuối cấp, những em học tốt, các thầy, cô tư vấn lựa chọn vào trường THPT có điểm tuyển sinh phù hợp, với những em năng lực yếu, kém hơn, giáo viên khuyên nên lựa chọn học nghề.
Tuy nhiên, phụ huynh vẫn có tâm lý phải tiếp tục học THPT rồi tính tiếp. Do vậy, trong các buổi tư vấn, giáo viên nói không khéo, phụ huynh sẽ cho rằng ép học sinh không thi.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội) thông tin, 3 năm gần đây, tỷ lệ học sinh học nghề sau THCS tăng từ 14% lên 17,5%, nhưng cũng có trường trong 3 năm liền, 100% học sinh tiếp tục học lên THPT, không em nào lựa chọn học nghề.
Thời gian tới, các trường sẽ tiếp tục phối hợp với trung tâm đào tạo việc làm, làng nghề bồi dưỡng giáo viên kiêm làm công tác tư vấn, hướng nghiệp.
PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, cần phải làm tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS, nhằm tăng cơ hội cho người học tìm kiếm cơ hội học tập phù hợp năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình cũng như cơ cấu lao động của địa phương.
Bên cạnh đó, hệ thống các trường nghề cũng phải làm sao đó để phụ huynh không quá nặng nề tâm lý. Thậm chí học sinh chuyển sang học nghề cũng không khiến phụ huynh quá căng thẳng, áp lực.
Đảm bảo quỹ đất dành cho giáo dục phải đúng cam kết
Bên cạnh việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Trung tâm Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cho rằng, nên phát triển hệ thống giáo dục dân lập, tư thục nhằm hỗ trợ cho việc giảm tải vào lớp 10 công lập.
“Mức học phí cao được xem như rào cản cho học sinh tiếp cận giáo dục dân lập với phụ huynh có mức thu nhập vừa phải. Để phát triển trường dân lập như một giải pháp san sẻ cho trường công lập, cần có chính sách hỗ trợ như cho mượn đất công hoặc cho thuê với mức giá thấp và được hưởng những cơ chế đặc thù cho giáo dục.
Còn nếu vẫn cho các trường dân lập thuê hoặc bán với giá của đất xây siêu thị, chung cư sẽ không thể yêu cầu trường dân lập giảm học phí. Phát triển hệ thống trường dân lập có thể xem như một giải pháp cho cùng lúc nhiều vấn đề”, ông Ân nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh việc đầu tư kinh phí, quỹ đất, một vấn đề cũng rất quan trọng nữa là Sở GD&ĐT Hà Nội cần quan tâm đến số lượng giáo viên sao cho phù hợp với số lượng học sinh, nâng cao chất lượng giáo viên đồng đều giữa các trường công lập ở nội thành và ngoại thành, giảm bớt tình trạng học sinh dồn về các trường điểm, trường hot.
Báo cáo giám sát của HĐND TP Hà Nội các năm cũng chỉ ra việc xây các khu đô thị mới thiếu quy hoạch trường học. Do đó, yêu cầu đặt ra là giám sát chủ đầu tư để đảm bảo quỹ đất dành cho giáo dục phải đúng cam kết.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội cho biết, từ năm 2017, nghịch lý có nhà nhưng thiếu trường học đã được công khai chất vấn tại các cuộc họp HĐND TP. Theo lý giải của cơ quan hữu trách, có hai nguyên nhân cơ bản, một là do quá trình triển khai, chủ đầu tư chỉ chú trọng xây nhà mà bỏ qua cơ sở hạ tầng xã hội;
Hai là, có tình trạng đưa trường học, nhà trẻ vào các khu vực khó giải phóng mặt bằng, ví dụ như… nghĩa trang, ao đình. Nghĩa là vấn đề nằm ở việc quy hoạch, nhưng điều đáng nói chính ở khâu quan trọng này lại xuất hiện vấn đề.
“Trong hơn 20 năm qua, các cơ quan quản lý quy hoạch, đất đai được xã hội tin tưởng và trao vào tay họ quyền năng lớn mà không đi kèm các định chế giám sát thích hợp.
Vì thế tài nguyên đất đai, tài sản đô thị không được phân bổ phù hợp, dẫn đến thiếu hụt trường công lập không chỉ tại các khu đô thị mà toàn bộ các địa phương. Bên cạnh đó, có nơi bố trí được đất thì lại thiếu cơ chế triển khai dẫn đến thực trạng trường học công lập luôn thiếu so với nhu cầu.
Hiện các vấn đề thiếu hụt trường học và các biện pháp khắc phục từ cấp thành phố tới cấp quận (như tại Hoàng Mai) vẫn là sự vụ, tình thế… mà chưa có chiến lược rõ ràng.
Ngay Sở GD&ĐT (phía đưa ra nhu cầu), Sở Quy hoạch Kiến trúc (phía giải trình và có phương án khắc phục) hay Sở TN&MT (phía giữ đất và giao đất xây trường) vẫn chưa có ý kiến cụ thể… thì tình trạng quá tải, thiếu trường học sẽ còn nan giải, chưa nói tới yêu cầu đủ đất để tạo không gian giáo dục toàn diện có chất lượng”, ông Ánh nhấn mạnh.
Để giải bài toán quá tải trường lớp, quá tải tuyển sinh đầu cấp nói chung, lãnh đạo TP Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội đã có nhiều chủ trương như hạn chế tuyển sinh trái tuyến; cải tạo hệ thống trường lớp, nâng tầng cơ sở vật chất; mở rộng hệ thống trường ngoài công lập ... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các giải pháp không triệt để. Chưa hạn chế được tuyển sinh trái tuyến; chất lượng tuyển sinh đầu vào, cách thức tuyển sinh và chất lượng đào tạo các trường ngoài công lập khiến phụ huynh còn băn khoăn, nghi ngại… Nhằm gỡ khó trong việc thiếu trường, thiếu lớp tại các quận nội thành, Sở GD&ĐT Hà Nội từng đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép địa phương áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tại các quận và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành. Trong đó có 3 nội dung liên quan đến tăng sĩ số học sinh/lớp; tăng số lớp/trường; cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh. Cụ thể, Sở GD&ĐT đề xuất cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, tăng 5 lớp/trường); đề xuất cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp). |
Thanh Hòa
Báo Lao động Xã hội số 46