Tuy nhiên, “cánh cửa” tương lai không vì thế mà khép lại. Ngoài các trường tư thục, công lập các em có thể tham khảo việc học nghề 9+. Đây cũng là phương án đang được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm.
Gạt bỏ áp lực trường công
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay được nhiều người đánh giá có tỷ lệ chọi khá căng thẳng. Theo thống kê, mùa tuyển sinh năm 2023 - 2024, TP Hà Nội có khoảng 33.000 học sinh “không có suất” vào lớp 10 công lập; TPHCM khoảng 40.000.
Chính vì vậy, đối với nhiều thí sinh, việc đỗ vào trường công là áp lực khủng khiếp. Đa số phụ huynh vẫn nghĩ con mình vào trường công mới có môi trường học tập tốt nhưng lại không quan tâm đến việc đó có phù hợp với con hay không. Phụ huynh cũng cần thay đổi suy nghĩ và không nên gây áp lực cho con bởi có nhiều hướng để lựa chọn.

Bạn Quỳnh Trang (cựu sinh viên Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội) chia sẻ: “Hồi đó em thi trượt vào lớp 10 THPT công lập. Do có chút năng khiếu về thẩm mỹ và yêu thích làm đẹp từ nhỏ nên em đã quyết định nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội ngành chăm sóc sắc đẹp.
Đến năm thứ 2 em đã có cơ hội trải nghiệm và đi làm. Nghĩ lại hồi đó quyết định đăng ký vào trường nghề của em là đúng đắn”.
Lâu nay, nhiều phụ huynh và thí sinh chưa có thiện cảm với việc học nghề, đa số đều có nguyện vọng vào lớp 10 công lập. Theo một số chuyên gia, việc học nghề tại các trường nghề, trường cao đẳng hiện nay cũng là một trong những lựa chọn tốt với thí sinh.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: “Thực tế, học sinh tốt nghiệp THCS đều có nhu cầu học lớp 10 công lập. Trong khi Hà Nội là thành phố lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh nên số trường THPT công lập không đáp ứng hết nhu cầu. Học sinh trượt lớp 10 công lập có thể học trường ngoài công lập hoặc trường quốc tế.
Tuy nhiên, tôi cho rằng chọn con đường học tập nào cũng phải xuất phát từ nhu cầu. Phụ huynh phải xác định con học để làm gì? Học để có việc làm phù hợp với năng lực cũng như sở thích, sở trường thì sẽ định hướng đúng cho con”.
Học sinh mạnh dạn chọn học nghề
Cũng theo ông Đồng Văn Ngọc, nếu trượt lớp 10 công lập, học nghề cũng là một lựa chọn. “Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội có nhiều em lớp 9 có học lực khá cũng lựa chọn học nghề.
Ưu điểm của mô hình này là thời gian học ngắn. Cùng tốt nghiệp lớp 9, một em học THPT công lập, một em học nghề tại trường cao đẳng, sau 3 năm, cả hai đều nhận bằng tốt nghiệp THPT giống nhau.
Thế nhưng, em học trường nghề có thêm 1 bằng trung cấp nghề. Tính về kinh tế chi phí học tập và thời gian học đều có lợi hơn”, ông Ngọc phân tích.
Bên cạnh đó, học nghề còn được Nhà nước hỗ trợ học phí, được ưu tiên tiếp cận nghề sớm. Ngoài ra, theo quy định, học GDTX bậc THPT các em học 7 môn, học THPT công lập sẽ nhiều môn hơn. 18 tuổi các em có thể đi làm ngay theo Luật Lao động hoặc học 1 năm nữa được thêm bằng cao đẳng chính quy.
Hiện một số trường đào tạo nghề còn có chính sách cam kết việc làm, nhiều em được doanh nghiệp hỗ trợ hoàn toàn học phí và khi ra trường có việc làm ngay. Đó chính là mô hình đặt hàng của doanh nghiệp với những ngành: Công nghệ cơ khí, công nghệ hàn, công nghệ ô tô... có cả doanh nghiệp ở nước ngoài.
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, sinh viên có cơ hội theo học tại Đại học Minh Tân (Đài Loan, Trung Quốc), một số trường đại học ở Nhật Bản một năm và được cấp bằng đại học chính quy. Trong suốt thời gian học, các em được tài trợ chi phí ăn ở, sau khi tốt nghiệp cam kết với mức lương 20 -30 triệu đồng/tháng.
Không trúng tuyển vào lớp 10 công lập, không có nghĩa là “cánh cửa” tương lai khép lại. Theo thống kê, năm học 2023 - 2024, Hà Nội có hơn 50 trường trung cấp, cao đẳng nghề tuyển sinh 261 lớp với tổng số 11.535 học viên lớp 10.
Hệ thống trường công lập tại Hà Nội hiện chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, nên bên cạnh việc học trường công lập, tư thục, học sinh có lựa chọn khác là theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Học những trường nghề này có mức học phí tương đương trường THPT công lập và kết hợp với học nghề sẽ có nhiều cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.
Ngoài ra, với những học sinh hoàn cảnh khó khăn thì học nghề theo mô hình 9+ đang là hướng đi phù hợp, vừa tiết kiệm kinh phí, thời gian mà vẫn đảm bảo bằng cấp, kiến thức, kỹ năng cho các em lập nghiệp sau khi ra trường.
Liên quan đến những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh về cơ sở vật chất và chất lượng dạy học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì giờ đây các trung tâm giáo dục nghề nghiệp đã được cải tiến rất nhiều.
Các trường được cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học đầy đủ và hiện đại đảm bảo quá trình học của học viên; đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao tay nghề. Không những thế, đa số cơ sở giáo dục đều đang trên đà đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường chương trình ngoại khóa, hướng nghiệp, trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống…
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên nhìn vào những lợi ích mà các trường nghề mang lại cho học sinh như: Thời gian học ngắn, vừa được học nghề, vừa được học văn hóa và khi tốt nghiệp sinh viên sẽ có 2 bằng là bằng nghề và bằng văn hóa. Bằng nghề giúp có cơ hội làm việc ngay ở các xí nghiệp, doanh nghiệp; bằng văn hóa giúp học viên có thể theo học tiếp đại học và liên thông cao hơn.
Khi theo học trường nghề sinh viên có cơ hội rèn luyện nghiệp vụ nghề nghiệp sớm. Đây là ưu điểm vượt trội mà việc học nghề mang lại cho người học. một số doanh nghiệp yêu cầu kinh nghiệm làm việc hơn là bằng cấp nên trong chương trình đào tạo nghề, thời gian học lý thuyết chỉ chiếm khoảng 30% còn lại là thực hành.
Chính vì vậy, người học sẽ được trang bị kỹ năng làm việc, tích lũy kinh nghiệm, xử lý vấn đề xảy ra trong thực tế giúp nâng cao tay nghề và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường kết nối, hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài tài trợ học bổng đào tạo cho sinh viên. Vì vậy sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ có nhiều lựa chọn làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam hoặc các quốc gia khác.
Với học sinh dù trải qua kỳ thi nào cũng là trải nghiệm thú vị và có thể thấy, trường công lập không phải là lựa chọn duy nhất. Quan trọng là các em tìm được môi trường học phù hợp. Miễn là có lý tưởng, ước mơ và không ngừng phấn đấu thì đều thành công.
Văn Lý
Báo Lao động và Xã hội số 93