Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Nhiều ngành học mới, cơ hội việc làm rộng mở

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Năm 2024, nhiều ngành học mới lần đầu được đào tạo ở Việt Nam được các trường đại học (ĐH) tuyển sinh. Đây là những ngành mà thị trường đang có nhu cầu tuyển dụng, dễ kiếm việc làm.

Đa dạng ngành học mới

Thời gian gần đây, nhiều trường ĐH ở Việt Nam đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào đào tạo chính quy, nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ cũng như nhiều cơ hội việc làm trong tương lai. Đây là một trong những ngành được đông đảo học sinh phổ thông lựa chọn.

Theo khảo sát, 52% học sinh phổ thông có nhu cầu, trong đó 12% học sinh có nhu cầu cao trong việc theo học ngành này.

thi sinh.jpg
 Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Bắt đầu từ năm 2024, ĐH Kinh tế TPHCM là trường đầu tiên trên cả nước đào tạo chuyên sâu bậc ĐH ngành ArtTech (công nghệ nghệ thuật) với 70 chỉ tiêu. Chương trình đào tạo chuyên sâu những nội dung như: Thiết kế truyền thông, kỹ xảo điện ảnh, thiết kế tương tác, nghệ thuật AI…

Phía nhà trường cho biết, trường đã khảo sát hơn 100 doanh nghiệp trong các lĩnh vực marketing, quảng cáo, tổ chức sự kiện, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thiết kế, truyền thông... để nắm bắt nhu cầu việc làm của ngành này. Để đáp ứng công tác đào tạo, trường đã đầu tư cơ sở vật chất liên quan bao gồm AI, big data, đồ họa máy tính, hiệu ứng hình ảnh và   kỹ xảo điện ảnh.

Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐH Bách khoa Hà Nội) ra mắt chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù về trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI).

Đây là chương trình sau ĐH với thời gian đào tạo 1,5 năm dành cho cử nhân lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông hoặc các ngành toán tin, khoa học tính toán, cơ sở toán học cho tin học... 

Theo PGS, TS Tạ Hải Hùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, học viên GenAI sẽ được cung cấp kiến thức nền tảng về AI và chuyên sâu về GenAI, học tập thông qua trải nghiệm tại các doanh nghiệp hàng đầu để áp dụng kiến thức vào thực tế.

Chương trình được thiết kế và giảng dạy bởi các chuyên gia AI, đối tác đào tạo của chương trình là các tập đoàn lớn.

Đặc biệt năm nay, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông mở ngành học đào tạo chính quy và chuyên sâu về game đầu tiên tại Việt Nam là chuyên ngành thiết kế và phát triển game với 200 chỉ tiêu. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm ở các vị trí như: Chuyên gia thiết kế kịch bản game, chuyên gia phát triển game, phát triển và phân phối game…

Ngoài ra, sinh viên còn có thể làm công việc như kiểm thử game, chuyên viên triển khai, vận hành, bảo trì hệ thống game, chuyên viên thiết kế, phát triển, kiểm thử phần mềm…

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), 2024 là năm đầu tiên trường tuyển sinh ngành điện ảnh và nghệ thuật đại chúng. Đây cũng là ngành học tuyển sinh lần đầu tiên tại Việt Nam. Sinh viên sẽ được trang bị hệ thống kiến thức tổng hợp, hệ thống về điện ảnh, nghệ thuật và khoa học xã hội - nhân văn.

Sau khi tốt nghiệp, người học có thể đảm nhiệm nhiều vị trí việc làm như: Biên kịch điện ảnh, truyền hình, sân khấu, sản phẩm đa phương tiện, nghiên cứu viên, nhà lý luận phê bình điện ảnh và nghệ thuật đại chúng, sáng tạo nội dung số, xây dựng kế hoạch truyền thông và quảng bá…

Nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cao

Theo các chuyên gia, sinh viên tốt nghiệp ngành AI có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực như: kỹ sư AI, kỹ sư máy học, kỹ sư dữ liệu, nhà nghiên cứu AI, chuyên gia marketing, truyền thông, lập trình viên, kỹ sư phần mềm, giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học, viện nghiên cứu…

Trong y tế, AI được ứng dụng vào việc phân tích dữ liệu lớn để dự đoán bệnh tật, nghiên cứu và phát triển thuốc mới, quản lý sức khoẻ. Còn ở lĩnh vực tài chính, trí tuệ nhân tạo giúp quản lý rủi ro và quản lý tín dụng, phát hiện gian lận, tư vấn đầu tư tự động và quản lý danh mục đầu tư.

Đặc biệt, mức thu nhập của người học ngành này được dự đoán sẽ cao hơn mức thu nhập trung bình của các ngành nghề khác.

Đa dạng những ngành học mới đang được mở ra với nhiều cơ hội, các chuyên gia lưu ý thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định chọn trường, chọn ngành. Đảm bảo ngành phù hợp năng lực của bản thân, trường học đáp ứng chất lượng đào tạo của ngành đó.

Sau khi xác định được ngành nghề mong muốn, thí sinh cần xem xét hoàn cảnh điều kiện kinh tế của gia đình và lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp.

TS Lê Thị Thanh Mai, nguyên Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TPHCM đưa ra lời khuyên, nên chọn nguyện vọng theo nguyên tắc cùng một ngành ở các trường khác nhau hoặc các ngành gần (cùng một nhóm ngành hoặc cơ hội việc làm gần nhau).

Các em đối chiếu sở thích, mong muốn với điều kiện về điểm số, hoàn cảnh của bản thân để quyết định chọn ngành, chọn trường và sắp xếp nguyện vọng theo mức độ yêu thích từ cao xuống thấp.

Cần chú ý không nên chọn ngành “chắc đỗ” nhưng lại không phải là ngành yêu thích nhất, vì như vậy có thể bỏ lỡ ngành mình yêu thích, dù điểm số sau đó đáp ứng yêu cầu xét tuyển của trường.

Thanh Hòa

Báo Lao động và Xã hội số 84

Tin liên quan