Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Gần 2/3 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 64 đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng hoặc bạn tình trong đời và 4% phụ nữ cho biết từng bị xâm hại tình dục trẻ em trước tuổi 15.

Đáng chú ý, hơn 90% phụ nữ bị bạo lực chưa từng tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà cung cấp dịch vụ địa phương hoặc chính quyền.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo triển khai Hướng dẫn ASEAN về tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em.

Ra mat.jpg

90% phụ nữ bị bạo lực giữ im lặng  

Mặc dù có rất nhiều nỗ lực được thực hiện trên toàn thế giới và ở Việt Nam, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn là một trong những vi phạm nhân quyền phổ biến nhất trên thế giới.

Theo một nghiên cứu của Liên hợp quốc về bạo lực đối với phụ nữ ở châu Á - Thái Bình Dương được thực hiện vào năm 2013, tỷ lệ bạo lực của nam giới đối với bạn tình nữ dao động giữa các quốc gia từ 26-80%.

Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc báo cáo rằng phụ nữ khuyết tật trưởng thành có nguy cơ bị lạm dụng thể chất và tình dục cao hơn ít nhất 1,5 lần so với phụ nữ không khuyết tật.

Ngoài ra, một nghiên cứu do UNICEF ủy quyền ước tính, tỷ lệ xâm hại thể chất ở trẻ em trai và trẻ em gái trong khu vực dao động từ 10% đến hơn 30%; xâm hại tình dục từ 1,7% lên 11,6%; 12% trẻ em trai và 32% trẻ em gái từng chứng kiến bạo lực giữa bố mẹ và ngược đãi cảm xúc từ 31,3% lên 68,5%.

Hơn nữa, 3 trong số 4 trẻ em trong khu vực trải qua kỷ luật bạo lực bởi giáo viên hoặc phụ huynh.

Kết quả của Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam do UNFPA hỗ trợ năm 2019 cho thấy, gần 2/3 phụ nữ (62,9%) trong độ tuổi từ 15 đến 64 đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng hoặc bạn tình trong đời và 4% phụ nữ cho biết từng bị xâm hại tình dục trước tuổi 15.

Đáng chú ý, hơn 90% chưa từng tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà cung cấp dịch vụ địa phương hoặc chính quyền.

Theo Điều tra các chỉ số thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2021, 72% trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 14 bị các hình thức xử phạt bạo lực do các thành viên trong gia đình.

Bạo lực đối với trẻ em chưa có thống kê chính thức. Hàng năm, 2.000 trường hợp trẻ em được báo cáo bị lạm dụng, trong đó, khoảng 75% bị lạm dụng tình dục.

Cung cấp dịch vụ hỗ trợ chất lượng cho nạn nhân bị bạo lực

“Hướng dẫn ASEAN về trao quyền cho phụ nữ và trẻ em: Cung cấp dịch vụ công tác xã hội chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực” là cột mốc quan trọng nhằm hiện thực hóa tuyên bố Hà Nội về Tăng cường Công tác xã hội vì Cộng đồng ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, Hướng dẫn ASEAN về trao quyền cho phụ nữ và trẻ em: Cung cấp dịch vụ công tác xã hội chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực góp phần hỗ trợ các nước thành viên ASEAN thực hiện hiệu quả hơn Lộ trình thực hiện Tuyên bố tiếp tục được các lãnh đạo ASEAN ghi nhận vào năm 2021;

Củng cố hệ thống công tác xã hội góp phần giải quyết và ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như cơ quan chuyên ngành liên quan thiết kế và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, ông Matt Jackson cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam phối hợp với các cơ quan của Liêp hợp quốc nỗ lực chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; đồng thời tăng cường các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực.

Việt Nam đã tham gia chương trình thí điểm quan trọng “Gói dịch vụ cơ bản hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực” với 4 chương trình can thiệp về dịch vụ xã hội, y tế, chính sách, tư pháp và phối hợp. Công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người bị bạo lực giới và kết nối các dịch vụ khác.

Với nỗ lực cải thiện ngành công tác xã hội, Việt Nam cũng đã đưa ra Chương trình quốc gia phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 và Chương trình quốc gia về cải thiện và phát triển hệ thống hỗ trợ xã hội đến năm 2025.

Mục đích là tăng cường số lượng nhân viên làm công tác xã hội và đảm bảo cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cao.

Nguyễn Síu