Kỳ I: Bi kịch sau những cánh cửa gia đình
Bạo lực gia đình không chỉ gây tan vỡ hạnh phúc gia đình mà còn là nỗi đau âm ỉ lâu dài đối với những người trong cuộc.
Khi nói đến bạo lực gia đình nhiều người vẫn nghĩ đó là sự đánh đập, gây thương tích. Như vậy là chưa đầy đủ. Bạo lực gia đình có bạo lực về tinh thần và về thể chất. Nếu bạo lực về thể chất gây thương tích, đau đớn về thể xác thì bạo lực về tinh thần là nỗi đau đớn, bức bối về tâm trạng, có trường hợp đến mức stress, trầm cảm.
Nỗi đau từ bạo lực gia đình

Có chồng là doanh nhân thành đạt nên cuộc sống của chị T. ở Bạc Liêu cùng 2 đứa con luôn đủ đầy vật chất và được nhiều người ao ước, ngưỡng mộ. Song, bên ngoài vẻ hào nhoáng, sang trọng ấy là những chuỗi ngày buồn bã mà chỉ người trong cuộc như chị T. mới biết.
Chị T. ở nhà chăm sóc con, chồng đi làm xa, mải lo kiếm tiền, giao lưu cùng đối tác nên thường xuyên đi sớm về muộn. Việc lớn, việc nhỏ trong nhà có liên quan đến tiền bạc đều do chồng chị T. quyết. Dù chưa bao giờ đánh vợ nhưng những lời chê bai, xúc phạm hàng ngày còn đau hơn muôn vàn mũi dao khiến trái tim chị T. đau nhói, tổn thương.
Vì thương con, nghĩ đến tương lai của con nên chị nhẫn nhịn, âm thầm chịu đựng đến nỗi mắc bệnh trầm cảm. May nhờ người thân phát hiện kịp thời khuyên chị nên học một nghề nào đó. Hiện chị T. có việc làm với khoản thu nhập kha khá, được tiếp xúc với nhiều người nên tinh thần phấn chấn, tự tin hơn trước.
Còn với chị L., bên trong dáng vẻ bình yên của căn nhà khang trang ở ngoại thành Hà Nội là sự khổ đau mà chị phải chịu đựng gần 5 năm qua.
“Cứ mỗi khi đi làm về, tôi như tù nhân trong chính ngôi nhà của mình, nhất là khi màn đêm buông xuống.
Anh ấy đánh xong lại muốn quan hệ mà phụ nữ phải có cảm xúc thì mới yêu được. Tôi từ chối thì bị đánh, đạp vào mặt, đuổi khỏi nhà. Nhiều lần bị đánh thâm tím mặt mày, chân tay đau nhức. Hôm sau đi làm, phải nói dối đồng nghiệp là bị ngã”, chị L. kể.
Còn với chị H., đứng trước tòa với gương mặt hốc hác, thân hình tiều tụy là kết quả của những nỗi đau mà chị chịu đựng trong suốt những năm qua. Chị H. kể, cuộc sống hôn nhân của chị bắt đầu bằng tình yêu và niềm tin nhưng rồi dần trở thành ác mộng không lối thoát kể từ khi chồng chị mất việc. Không việc làm cộng với áp lực kinh tế khiến anh tự ti, rồi tìm đến rượu bia để giải tỏa.
“Mỗi lần uống rượu về anh đánh đập tôi vô cớ. Không chỉ đánh đấm mà có lần anh ấy ném chiếc ghế tôi khiến tôi bị thương nặng. Nhưng tôi vẫn không dám bỏ đi vì sợ con không có cha", chị H. ngậm ngùi.
Không chỉ bị bạo lực thể xác, chị H. còn bị bạo lực tinh thần với lời lẽ xúc phạm. Đã có không ít lần chị bị chồng đuổi ra khỏi nhà giữa đêm khuya. Đỉnh điểm của nỗi đau là một đêm kinh hoàng khi chồng chị dùng dao uy hiếp chị trước mặt hai con.
Trong cơn hoảng loạn, chị đã quyết định không thể tiếp tục cảnh sống địa ngục. Chị đã nhờ đến sự giúp đỡ của hàng xóm và báo cáo sự việc với cơ quan chức năng.
Tỷ lệ nữ giới là nạn nhân bạo lực gia đình cao hơn 4,6 lần nam giới
Kết quả cuộc Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) thực hiện năm 2019 chỉ ra rằng: 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra) và cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục;
90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ; chỉ 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.
Kết quả cuộc điều tra cũng cho thấy, thiệt hại chi phí do bạo lực thể xác với phụ nữ do chồng hoặc bạn tình gây ra làm suy giảm năng suất lao động của phụ nữ, dẫn đến thiệt hại đáng kể đối với nền kinh tế. Cụ thể, năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại năng suất lao động khoảng 100 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, cả nước có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.240 vụ, giảm 1.214 vụ so với con số 4.454 vụ của năm 2002. Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.404 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ. Có 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình, gồm có 2.628 nữ và 565 nam.
Tình trạng bạo lực gia đình không chỉ xảy ra với nạn nhân là nữ giới, mà còn xảy ra ở cả nam giới, dưới những hình thức bạo lực khác nhau. Số vụ và số nạn nhân của nạn bạo lực gia đình năm 2023 đều giảm so với năm 2022, nhưng tỷ lệ nạn nhân là nam giới lại có dấu hiệu gia tăng.
Mặc dù số nạn nhân nam bị bạo lực gia đình tăng so với trước đây, tuy nhiên có thể thấy nữ giới vẫn là nạn nhân chính trong các vụ bạo lực gia đình, cao hơn 4,6 lần nam giới.
Tổng số người gây bạo lực gia đình năm 2023 là 3.208 người; trong đó, nam giới là đối tượng chủ yếu gây ra các vụ bạo lực gia đình. Cụ thể, trong tổng số người gây bạo lực gia đình kể trên, có 2.677 người là nam giới, gấp 5 lần so với con số 531 người là nữ giới. Số người gây bạo lực gia đình chịu các hình thức xử lý là hơn 2.900 người, trong đó 129 người bị xử lý hình sự.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất là do tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội. Điển hình là định kiến giới về vai trò, vị trí của nam giới và nữ giới trong lao động, việc làm, gia đình.
Nguyên nhân tiếp theo là sự cam chịu từ phía nạn nhân do nhiều người bị bạo lực có tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị nên không đi báo, vì cho rằng đó là chuyện bình thường, thậm chí cảm thấy xấu hổ.
Phần lớn các vụ việc bạo lực gia đình chỉ được báo cáo hoặc nạn nhân tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng khi vụ việc nghiêm trọng, hành vi bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân.
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 6