Bên cạnh các loại có thương hiệu, thì bánh “nhà làm” được bày bán tràn lan. Điều đáng lo ngại là những mặt hàng nhà làm này đều “3 không”: Không nhãn mác, không thương hiệu, không hạn sử dụng, giá bán từ 15.000 - 250.000 đồng/bánh, tùy loại…
Tràn lan bánh “3 không”

Thời điểm này, nhiều cửa hàng, chợ truyền thống và chợ online bán khá nhiều sản phẩm bánh trung thu. Bên cạnh các loại bánh có thương hiệu, thì nhiều sản phẩm nhập khẩu, bánh “nhà làm” được bày bán tràn lan.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại những mặt hàng “nhà làm” này đều “3 không”: không nhãn mác, không thương hiệu, không hạn sử dụng, giá bán dao động từ 15.000 - 250.000 đồng/bánh.
Nhiều sạp còn giới thiệu các loại bánh có nhân đặc biệt cao cấp như nhân bào ngư, cá hồi, gà quay… với giá từ 450.000 đồng đến cả triệu đồng/hộp, tùy loại nhân.
Chị Hoa, một tiểu thương bán bánh trung thu tại Long Biên (Hà Nội) cho biết, từ đầu tháng 8, loại bánh trứng muối bông lan tan chảy giá 25.000 đồng/bánh bán rất chạy, bánh nướng thập cẩm “nhà làm” chỉ 280.000 đồng/hộp 4 bánh.
Theo chị Hoa, các loại bánh trung thu trứng muối tan chảy hàng nội địa Trung Quốc và bánh “nhà làm” đắt hàng hơn so với các loại bánh có thương hiệu vì giá phải chăng, nhiều vị, phù hợp túi tiền số đông.
Loại bánh này thường được đựng trong túi ni lông sơ sài, không có thông tin thành phần nguyên liệu, hạn sử dụng, nơi sản xuất, nhưng khi được hỏi về chất lượng nguyên liệu thì người bán một mực khẳng định, bánh được nhập từ hệ thống lớn, đã được kiểm định.
Theo các chuyên gia y tế, có rất nhiều tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm cho một quy trình sản xuất bánh trung thu như: Nguyên liệu, chất phụ gia, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, môi trường... nếu chỉ một khâu trong quy trình sản xuất bị “hỏng” thì việc lây nhiễm chéo rất dễ xảy ra.
Các loại độc tố tự nhiên được sản sinh bởi một số loại nấm mốc trong điều kiện ấm, ẩm, gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm làm từ ngũ cốc, bột mì, nguyên liệu sử dụng trong bánh trung thu.
Ngoài ra, để kéo dài thời hạn sử dụng, nhiều thợ làm bánh sử dụng chất bảo quản hóa học gây hại cho sức khỏe con người.
Xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh bánh trung thu không rõ nguồn gốc
Vừa qua, lực lượng thị trường đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ nhiều bánh trung thu không rõ nguồn gốc. Theo đó, ngày 15/8, Đội Quản lý thị trường (QLTT ) số 3, Cục QLTT TP Đà Nẵng tiến hành kiểm tra đối với cửa hàng kinh doanh bánh kẹo tại quận Thanh Khê do ông V.C.T. làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 3 phát hiện gần 1.800 bánh trung thu với các loại nhân phomai bibizan, hồng trứng muối bibizan, trứng chảy bibizan, chaosan snack có xuất xứ Trung Quốc nhưng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo nên đã tạm giữ toàn bộ số bánh trên làm căn cứ xử phạt theo quy định của pháp luật.
Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Bắc Giang) kiểm tra cơ sở kinh doanh H.T. tại phường Trần Phú (TP Bắc Giang), do bà H.T.T. làm chủ. Qua kiểm tra phát hiện trên 1.500 đơn vị sản phẩm gồm: Bánh trung thu, bánh mì, bánh mochi... do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ được mua trôi nổi trên thị trường.
Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.
Để phòng ngừa, ngăn chặn cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, mới đây, Tổng cục QLTT ban hành văn bản gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu và kiểm tra chất lượng hàng hoá đến hết năm 2024.
Qua đó, ngăn chặn, xử lý việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm bản quyền, giả mạo nhãn hiệu, không bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, nước giải khát, đồ chơi trẻ em...
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 101