Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyến đến liên quan đến việc xem xét, sửa đổi, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại, đảm bảo phù hợp với thực tế và đảm bảo quyền lợi cho trẻ em.
Nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái như sau: “Theo quy định tại Điều 53, Điều 72 Luật Trẻ em và khoản 1 Điều 27; khoản 1 Điều 28; khoản 1 Điều 29; khoản 1 Điều 30; khoản 3 Điều 31 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ về đánh giá nguy cơ và xác định các nhu cầu của trẻ em cần được bảo vệ; tham gia quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em.
Tuy nhiên, một số biểu mẫu theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CP chưa phù hợp với trình độ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã (như biểu mẫu số 03 về Báo cáo thu thập thông tin, xác minh và đánh giá nguy cơ cụ thể).
Cử tri kiến nghị liên quan xem xét, sửa đổi, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại, đảm bảo phù hợp với thực tế và đảm bảo quyền lợi cho trẻ em".
Trả lời nội dung trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trẻ em, những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH thường xuyên chỉ đạo, xây dựng tài liệu và tổ chức nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác trẻ em các cấp;
Đặc biệt là người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã để bảo đảm thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em cần được bảo vệ theo quy định của Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.
Ngày 10/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, trong đó, quy định về tiêu chuẩn của công chức văn hóa - xã hội và người hoạt động không chuyên trách, là những người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã bổ trí làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã theo quy định tại khoản 4 Điều 90 Luật Trẻ em.
Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, trong thực tiễn, trình độ và năng lực người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em.
Năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát và đánh giá về việc triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Điều này nhằm đánh giá mặt được, tồn tại trong quá trình thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp để đề xuất giải pháp, lộ trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, trong đó có xem xét, sửa đổi, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bảo đảm phù hợp với thực tế và quyền lợi của trẻ em.
"Khi người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã gặp khó khăn, vướng mắc trong việc đánh giá ban đầu về nguy cơ và mức độ tổn hại của trẻ em (bao gồm biểu mẫu số 03 về Báo cáo thu thập thông tin, xác minh và đánh giá nguy cơ cụ thể) có thể đề nghị Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) và các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em thuộc ngành LĐ-TB&XH hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP", Bộ LĐ-TB&XH trả lời cử tri.