Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

5.000 “mái nhà hạnh phúc” cho đồng bào Điện Biên

LĐXH
LĐXH

Những ngày này, nhiều bản làng ở Điện Biên như khoác lên diện mạo mới bởi sự xuất hiện của 5.000 ngôi nhà. Đó là những ngôi nhà được xây dựng từ tình đoàn kết, bằng triệu tấm lòng sẻ chia của người dân cả nước với mảnh đất Điện Biên.

Thành quả của chính sách vì người nghèo

Theo số liệu rà soát của UBND tỉnh Điện Biên, tính đến 31/3/2023, địa bàn tỉnh có 7.447 gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát, hư hỏng có nhu cầu hỗ trợ làm mới và sửa chữa.

Trong đó: Số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ làm mới là 5.479; số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu sửa chữa là 1.916; số hộ chính sách có nhu cầu làm mới là 28; số hộ chính sách có nhu cầu sửa chữa là 24.

Từ thực tế đó, được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với tỉnh Điện Biên và các cơ quan liên quan triển khai Đề án “Vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên”.

anh.jpg
Những ngôi nhà được xây dựng từ tình đoàn kết, bằng triệu tấm lòng sẻ chia của người dân cả nước với mảnh đất Điện Biên.

Mục tiêu của chương trình là tập trung vận động các nguồn lực của xã hội để trong thời gian 1 năm (7/5/2023 - 7/5/2024) sẽ hỗ trợ làm mới 7.000 đến 8.000 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Điện Biên và địa bàn Tây Bắc.

Trong đó, tỉnh Điện Biên được hỗ trợ làm 5.000 căn, sau đó đến các địa phương khác thuộc địa bàn Tây Bắc. Mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/căn nhà; tổng kinh phí vận động hỗ trợ dự kiến 350 đến 400 tỷ đồng.

Ngoài mức hỗ trợ trên, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang nhân dân đóng quân trên địa bàn cùng tham gia vận động, hỗ trợ kinh phí, nguyên vật liệu, ngày công… để nâng cao giá trị công trình nhà đại đoàn kết cho các hộ gia đình.

Tháng 5/2023, với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc", Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động ủng hộ xây dựng nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo của tỉnh Điện Biên để hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), mục tiêu xây dựng 5.000 ngôi nhà cho hộ nghèo của địa phương này.

Sau 9 tháng khẩn trương thi công, tính đến ngày 24/1, 5.000 ngôi nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành, trong đó, trên 1.800 nhà xây, 1.900 nhà gỗ truyền thống, gần 1.300 nhà khung sắt. Các ngôi nhà đều đảm bảo yêu cầu, chất lượng

Tiếp thêm động lực thoát nghèo

Ông Giàng A Di và bà Giàng Thị Úa (bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ) thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế được nhận hỗ trợ xây nhà.

Bà Giàng Thị Úa xúc động nói: “Đến giờ tôi vẫn như nằm mơ. Có phấn đấu đến hết đời, tôi cũng không thể làm được căn nhà khang trang thế này. Gia đình tôi cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các nhà tài trợ”.

Trong ngôi nhà vừa hoàn thiện vẫn còn mùi sơn, chị Lò Thị Nguyên (tổ 1, thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà) chia sẻ: “Gia đình tôi chưa có nhà, phải đi ở nhờ, khi nghe tin gia đình trong diện được hỗ trợ xây nhà, tôi rất vui. Sau khi được anh trai cho đất, với số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng với một phần tiền tích cóp, vay mượn tổng cộng gần 80 triệu đồng, giờ tôi đã xây được nhà”.

Là hộ nghèo ở thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông, nguồn thu nhập của gia đình chị Quàng Thị Thi chủ yếu là làm nông và làm thuê. Được hỗ trợ xây ngôi nhà mới khang trang, gia đình chị Thi không còn thấp thỏm lo âu mỗi khi trời mưa to, gió lạnh. Có được ngôi nhà kiên cố, chị yên tâm lao động sản xuất, nuôi con cái học hành.

Bày tỏ niềm vui về việc đã sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng 5.000 căn nhà, đồng chí Lò Văn Mừng, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 09 tỉnh Điện Biên cho biết: Trong hơn 7 tháng, 5.000 căn nhà đã được hoàn thành, giúp tỉnh Điện Biên hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát, không an toàn trong năm 2024.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho rằng, khi có nhà kiên cố ấm cúng, người dân không còn di cư và ổn định cuộc sống, không phá rừng. Khi tập trung thành khu dân cư, người dân được chính quyền các cấp đảm bảo nhu cầu thiết thực như điện, nước, trường học, y tế, thuận lợi hơn nhiều so với di cư.

Đảm bảo được cuộc sống ổn định, người dân tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Các hộ dân được hỗ trợ nhà có thêm động lực sớm thoát nghèo. Đó cũng là động lực để tỉnh thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Phương Anh

Tin liên quan