Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu cho người dân vùng lũ

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Theo báo cáo nhanh từ Sở Công Thương, các địa phương bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn đã dự trữ hàng hóa nhu yếu phẩm đủ từ 5 - 10 ngày.

Bộ Công Thương khuyến cáo, người dân không tích trữ nguồn nhu yếu phẩm quá mức cần thiết, để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3.

Không nên tích trữ quá mức cần thiết

Đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu cho người dân vùng lũ - 1
Sau bão, các siêu thị tại Hải Phòng mở cửa, hàng hóa dồi dào.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trước tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương phía Bắc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Sở Công Thương các địa phương đã khẩn trương nắm bắt tình hình triển khai các nhiệm vụ cung ứng hàng hóa trước thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc và đã có sự chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ nhân dân. Do vậy, người dân đã chủ động mua sắm, hàng hóa dự trữ trước khi bão đổ bộ.

Đối với các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái và dự báo các địa phương như Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương... Bộ Công Thương đã có Công văn số 6813/BCT-TTTN gửi Sở Công Thương tại 35 tỉnh, thành phố để chuẩn bị, điều phối hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng để kịp thời cung ứng, đảm bảo số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân.

“Bộ Công Thương thường xuyên, liên tục liên hệ và chỉ đạo Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối, nhà cung cấp hàng hóa quy mô lớn cập nhật diễn biến thị trường hàng hóa tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng mưa lũ, đặc biệt là các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái và một số tỉnh, thành khác bị chia cắt, cô lập do bão và hoàn lưu bão gây ra để tập trung hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn thông tin.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, tại tỉnh Yên Bái, nước sông Hồng dâng nên đã có tuyến đường ngập 2 - 3m, xuất hiện ngập cục bộ. Hàng hóa tại chợ, cửa hàng, siêu thị vẫn cung cấp đủ, giá ổn định.

Còn tại tỉnh Lào Cai, theo ghi nhận từ Sở Công Thương, mặt hàng nhu yếu phẩm chủ yếu là mỳ tôm, nước lọc tại các vùng ngập lụt, chia cắt, các hộ gia đình phải di chuyển đến nơi an toàn. 

Tuy nhiên, lương thực, thực phẩm vẫn đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.

“Qua báo cáo tình hình từ các Sở Công Thương, đến 9 giờ sáng nay, nguồn cung hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá, trừ một số loại rau xanh tăng giá. Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nhu yếu phẩm đủ dùng. Người dân không nên tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Còn tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng - 2 địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề do bão số 3, đến nay xăng dầu, hàng thiết yếu đã được cung ứng ổn định.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết thêm, đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát tình hình của các địa phương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 9/9/2024 để có chỉ đạo cụ thể đối với từng địa phương trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng điều tiết và vận chuyển hàng hóa, trong đó có mặt hàng xăng dầu phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Lương thực thực phẩm giá ổn định, rau xanh tăng giá

Đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu cho người dân vùng lũ - 2
Tại Hà Nội, rau xanh tại siêu thị rẻ hơn chợ dân sinh.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên cho biết, khu vực TP Thái Nguyên hiện có một số điểm ngập úng.

"Các lực lượng chức năng của tỉnh, TP Thái Nguyên, nhân dân đã và đang tiếp tục khắc phục, cố gắng bằng nhiều cách bổ sung thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho người dân ở các khu vực này. Các địa phương đều đã có kế hoạch, phương án ứng phó trước và sau cơn bão số 3 theo phương châm "4 tại chỗ", chủ động lượng hàng hóa thiết yếu.

Đồng thời, lượng hàng hóa ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối đảm bảo đáp ứng nhu cầu thiết yếu, bổ sung thường xuyên từ các nhà cung cấp...", ông Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh.

Đại diện Sở Công Thương Thái Nguyên cho biết, từ sáng 9/9, hệ thống siêu thị ghi nhận sức mua tăng đột biến trở lại do mực nước sông cầu dâng cao gây ngập úng tại một số khu vực.

Tại Hà Nội, bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương cho biết, lực lượng ngành công thương tập trung cao độ chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho người tiêu dùng trước, trong và sau bão.

"Hà Nội cũng thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tăng giá đột biến. Trong đó, hệ thống bán lẻ đã tích cực dự trữ, cung ứng liên tục, đảm bảo không thiếu hàng tiêu dùng thiết yếu, chú trọng mặt hàng rau củ quả tươi sống”. 

Bà Oanh cho biết thêm, để đối phó với cơn bão số 3, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn đã làm việc với các nhà cung cấp và có kế hoạch đẩy mạnh dự trữ các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, trong đó các mặt hàng tươi sống, rau xanh, củ quả tăng gấp 2 so với ngày bình thường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có phương án luân chuyển hàng hóa liên tục đến tại các điểm bán, triển khai các kênh bán hàng trực tuyến để sẵn sàng hỗ trợ, phục vụ đầy đủ nhu cầu của nhân dân. 

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi dào, giá cả ổn định. Riêng rau xanh tăng giá mạnh so với ngày thường.

Nếu như trước bão, rau muống chỉ 10.000 đồng/bó thì nay các chợ bán 20.000 đồng/bó, rau cải xanh tăng từ 7.000 lên 13.000 đồng/bó, rau mồng tơi cũng tăng giá gấp đôi từ 6.000 lên 12.000 đồng/bó.

Đặc biệt, các loại rau gia vị như hành lá, thì là tăng giá, đắt kỷ lục là 100.000 đồng/kg, trong khi trước bão cao nhất khoảng 40.000 đồng/kg. Các loại củ quả khác như su su, bắp cải, cà rốt... tăng nhẹ so với trước. 

Theo các tiểu thương, do ảnh hưởng của bão số 3 nên nhiều diện tích rau xanh bị hư hỏng, dẫn đến khan hiếm. Trong khi đó, tại các siêu thị, giá một số mặt hàng rau xanh rẻ hơn so với chợ dân sinh như: Bắp cải 22.000 đồng/kg; rau muống 15.900 đồng/kg; cải xanh 12.900 đồng/kg; mùi ta 90.000 đồng/kg… 

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 9/9/2024 về việc khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, mì tôm, các nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch… để cung cấp cho người dân trong vùng bị cô lập, người dân thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm trong thời gian nhanh nhất có thể.

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 110