Tuy nhiên, nghề CTXH vẫn chưa được xã hội nhìn nhận đúng; đội ngũ nhân viên thiếu và yếu là những rào cản hướng đến sự chuyên nghiệp.

Nhân lực công tác xã hội thiếu và yếu
Đến nay, đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm CTXH chuyên nghiệp có khoảng 235.000 người, trong đó 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH công lập và ngoài công lập; gần 100.000 người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; trên 100.000 cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng…
Tuy nhiên, số lượng nhân lực trên mới chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu, đặc biệt là nhân lực cấp xã, cấp cơ sở.
Việc đào tạo CTXH chuyên nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, số lượng các cơ sở có đào tạo chuyên ngành CTXH tăng nhanh (55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành CTXH, so với năm 2010 chỉ có 1-2 cơ sở); đã triển khai nhiều mô hình CTXH trong lĩnh vực giảm nghèo, chăm sóc phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ; giáo dục, y tế, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phụ nữ thanh niên...
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện 100% bệnh viện tuyến trung ương, 97% bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố và gần 90% bệnh viện tuyến quận, huyện có phòng, tổ CTXH.
Tuy nhiên, nhân lực CTXH ở các bệnh viện chủ yếu là kiêm nhiệm (trên 60%), trong khi đó tỷ lệ cán bộ, nhân viên của phòng, tổ CTXH được đào tạo chuyên ngành lại rất thấp.
Hiện chưa có chương trình đào tạo nhân viên CTXH làm việc trong bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh; chưa có chuẩn năng lực nhân viên CTXH trong cơ sở y tế…
Ths Phạm Ngọc Sơn, Trưởng phòng CTXH, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, Phòng CTXH của viện có 19 người. Nhân sự rất mỏng so với số lượng bệnh nhân đến viện mỗi ngày và cần sự hỗ trợ từ các nhân viên CTXH; nhiều khi công việc bị quá tải nên chưa làm người bệnh hài lòng.
“CTXH là ngành đặc thù mới, đa phần nhân viên CTXH chưa được đào tạo bài bản, chính quy giống như những ngành đào tạo khác. Chỉ một số ít tốt nghiệp đúng chuyên ngành CTXH, còn lại là các ngành khác như: Quản lý bệnh viện, quản lý nhân lực, điều dưỡng, kế toán…
Do vậy, mặt bằng chung về trình độ của các nhân viên CTXH chưa được đồng đều”, Ths Sơn nói.
PGS, TS Đỗ Thị Vân Anh, Trưởng khoa CTXH (Trường Đại học Công đoàn) cho biết, 3 năm gần đây, số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ngành CTXH đều tăng. Chỉ tiêu là 200 nhưng số lượng thí sinh trúng tuyển năm nào cũng vượt.
Tuy nhiên, điểm trúng tuyển thường không cao. Điểm chuẩn ngành lần lượt là 19,7 (2021) và 19 (2022) trên thang điểm 30. Số thí sinh trúng tuyển nhập học là 207 (2021) và 294 (2022).
"Bên cạnh đó, do nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về nghề nên cho rằng CTXH là chỉ chăm sóc, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật hay đi làm từ thiện, khiến nhiều bạn trẻ e ngại”, PGS Đỗ Thị Vân Anh cho biết.

Cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, xác định rõ vị trí việc làm
TS Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề và nghề CTXH Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội các cơ sở đào tạo nghề CTXH nhìn nhận: “CTXH là nghề đối mặt với không ít khó khăn và đôi khi còn gặp sự cố nhưng người làm nghề này luôn có tâm nguyện là mang đến những điều tốt đẹp cho người bệnh, người yếu thế, khó khăn".
Những cán bộ CTXH là cầu nối đưa chính sách vào cuộc sống, giúp các đối tượng yếu thế tiếp cận chính sách; kết nối những hoàn cảnh khó khăn với các tổ chức, nguồn lực trong xã hội. Đây là ý nghĩa nhân văn của nghề CTXH. Dù mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng nhưng nghề CTXH đang đối mặt với việc thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng.
"Do vậy, số người có hoàn cảnh đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV/AIDS và các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu trợ giúp, thụ hưởng dịch vụ CTXH chưa được nhiều”, TS Nguyễn Hải Hữu cho biết.
Từ thực trạng trên, theo ông Hữu, thời gian tới, nghề CTXH cần được tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, đặc biệt phải xác định rõ vị trí việc làm, đồng thời đào tạo phải gắn với sử dụng. Bên cạnh đó, luật pháp phải bảo vệ quyền lợi cho những người làm CTXH.
Bởi, bản thân họ cũng gặp rất nhiều rủi ro, có thể bị sang chấn tâm lý khi tiếp xúc, tư vấn cho đối tượng hung hãn, sử dụng hung khí, có hành vi chống đối hoặc một số đối tượng không đạt được mục đích thì có những lời nói, cử chỉ, hành động khiếm nhã, gây ảnh hưởng đến tâm lý nhân viên tư vấn.
Ngoài ra, họ cũng phải được đào tạo thường xuyên để nâng cao tay nghề giống như những giáo viên cũng phải học để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Để giải quyết những khó khăn trong đào tạo CTXH hiện nay, PGS, TS Nguyễn Hồi Loan, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, Xã hội học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần rà soát lại các cơ sở đào tạo ngành CTXH.
Cơ sở nào không đáp ứng được yêu cầu về đội ngũ, thực hành thực tập, chương trình đào tạo thì phải thu hẹp lại, thậm chí ngừng đào tạo để đảm bảo chất lượng đầu ra.
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo phải nâng cao chương trình đào tạo phù hợp, bắt kịp với các nước phát triển trên thế giới, đồng thời nâng cao điều kiện cơ sở thực hành, nguồn kinh phí…
Cù Hòa