Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

“Tăng tốc” để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Theo số liệu thống kê từ Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát, trên cả nước đã có 106.189 căn nhà tạm, nhà dột nát đã được hỗ trợ xây mới và sữa chữa.

Các địa phương đang “tăng tốc” để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm nay sẽ xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát.

5 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát

Ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, có 5 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu không còn nhà tạm, nhà dột nát, hoàn thành 100%. 

“Tăng tốc” để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm - 1
Thứ trưởng Lê Văn Thanh kiểm tra thực tế hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo ở thôn Minh Lập, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang (Hà Giang).

Cũng theo ông Bình, Việt Nam thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 thể hiện ý nghĩa lịch sử rất lớn, quyết tâm rất cao và đòi hỏi nguồn lực huy động rất lớn. Nguồn lực có 2 phần: Huy động xã hội hóa và nguồn từ Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2024 (khoảng 5.000 tỷ đồng).

Theo số liệu cập nhật đến ngày 14/2, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 106.189 căn, tăng 5.552 căn. Trong tổng số nhà tạm, nhà dột nát được hỗ trợ trong đó có 61.557 nhà đã khánh thành, 44.632 căn khởi công mới, tăng tương ứng 1.686 và 3.866 căn.

Cụ thể, toàn quốc đã hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 8.560 căn, tăng 1.130 căn, trong đó số nhà đã khánh thành là 3.754 căn, nhà khởi công là 4.806 căn. 

Đến thời điểm này đã có 58 địa phương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; 5 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu không thành lập Ban Chỉ đạo do không còn nhà tạm, nhà dột nát, hoàn thành 100%.

Đã thành lập 589/600 Ban Chỉ đạo cấp huyện, tăng 3 đơn vị, chỉ còn 1 địa phương chưa thành lập đủ Ban Chỉ đạo cấp huyện là tỉnh Điện Biên. Ngoài ra, thành lập 7.674/8.477 Ban Chỉ đạo cấp xã, tăng 216 đơn vị và có 11 địa phương chưa thành lập đủ Ban Chỉ đạo cấp xã.

Hiện có 33 địa phương phê duyệt nhu cầu hỗ trợ nhà ở, nhà dột nát gồm: Bạc Liêu, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Bình, Cà Mau, Vĩnh Long, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hậu Giang, Tây Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Bình Định, Phú Yên, Sơn La, Kon Tum, Ninh Thuận, Cao Bằng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hà Nam, Thái Bình, Trà Vinh, Long An, Hải Dương, Lạng Sơn, Yên Bái, Bình Thuận, Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai.

Nhiều địa phương đặt mục tiêu “về đích” trước hạn

Cũng theo ông Bình, việc triển khai tại một số địa bàn gặp khó khăn do người dân sống phân tán, giao thông khó khăn, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, với quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra, các địa phương đang “tăng tốc” để sớm về đích.

Ngoài 5 địa phương đã hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo thì có 8 địa phương đặt mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong quý II/2025 gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tum, Tây Ninh, Long An).

Có 12 địa phương xác định hoàn thành trong quý III/2025: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau. 

Thời gian qua, các địa phương đang quyết liệt vào cuộc, huy động nguồn lực xã hội hóa và có nhiều cách làm sáng tạo. “Hà Giang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Tỉnh đặt kế hoạch hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/8.

Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương quyết tâm đến ngày 30/6 sẽ xong. Hà Giang là địa phương khó khăn nhưng làm rất tốt, huy động cả nguồn lực bằng tiền, sức dân, sức của công chức, đảng viên và các lực lượng tại chỗ trên địa bàn như phụ nữ, thanh niên, mặt trận, lực lượng vũ trang...

Theo rà soát, ngoài Chương trình Mục tiêu quốc gia, Hà Giang còn khoảng 2.900 căn nhà tạm, nhà dột nát”, ông Bình cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia để chung tay giúp các hộ nghèo, cận nghèo.

Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được tiếp cận các chính sách ưu đãi. Quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Xây dựng các mô hình, điển hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương,… Qua đó tạo sinh kế, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Đối với chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, các địa phương cần rà soát lại số liệu cho chính xác, đảm bảo không bỏ sót đối tượng.  Quá trình thực hiện bảo đảm: Công khai, minh bạch, đúng quy định, không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.

Đồng thời, huy động các nguồn lực, khẩn trương khởi công xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người dân để đảm bảo đến cuối năm 2025 hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. 

Vân Khánh

Báo Lao động và Xã hội số 21

Tin liên quan