Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Thủ tướng: Xóa nhà tạm, nhà dột nát khó mấy cũng phải làm

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ hết sức quan trọng và ý nghĩa nhân văn cao cả nên khó mấy cũng phải làm...

Phải có tinh thần, trách nhiệm cao chứ không phải chỉ làm qua loa

Thủ tướng: Xóa nhà tạm, nhà dột nát khó mấy cũng phải làm - 1
Thủ tướng nêu rõ, việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng.

Kết luận Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ban Chỉ đạo) trực tuyến 4 cấp với hơn 8.600 điểm cầu toàn quốc để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, góp phần vào những thành quả bước đầu hết sức tích cực của chương trình… 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành chưa ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát;

Chưa ban hành hướng dẫn phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm 5% chi ngân sách thường xuyên năm 2024 và phân bổ vốn sự nghiệp năm 2025 cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; 9 địa phương chưa quyết liệt, trách nhiệm chưa cao; chưa ban hành Kế hoạch hành động và chưa nghiêm túc báo cáo, thống kê theo quy định.

Đến nay trên toàn quốc còn khoảng 240.000 căn nhà tạm, dột nát. Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát trong năm 2025, bình quân mỗi ngày cả nước phải hoàn thành khoảng 650 căn.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, khối lượng công việc còn lớn, một phần do chương trình lớn, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương; phải triển khai trên quy mô rộng trong thời gian ngắn, nhiều đối tượng hỗ trợ ở các địa bàn khó khăn.

Cùng với đó, một số quy định pháp luật liên quan chưa đầy đủ, rõ ràng gây khó khăn trong triển khai thực tế, nhất là các địa phương; một số bộ, cơ quan chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền;

Một số địa phương còn máy móc, thiếu sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức triển khai thực hiện và còn trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực hỗ trợ của Trung ương; chưa huy động hiệu quả sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Nhấn mạnh việc xóa nhà tạm, nhà dột nát phải có tinh thần, trách nhiệm cao, bằng cả trái tim, khối óc chứ không phải chỉ làm qua loa, Thủ tướng chỉ rõ một số bài học kinh nghiệm, trong đó các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó;

Phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; huy động “có công giúp công, có của giúp của, ai có gì giúp nấy, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít” để xóa nhà tạm, dột nát cho người khó khăn về nhà ở. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực truyền cảm hứng để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ trong triển khai thực hiện chương trình với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”;

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH theo dõi sát, thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến cuối năm để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn;

Cập nhật hàng ngày tình hình, kết quả triển khai chương trình trên cả nước; lưu ý yêu cầu tự động cập nhật hàng ngày từ cấp xã, đếm ngược số ngày còn lại và số căn nhà tạm, nhà dột nát còn lại phải hoàn thành, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với đó, cập nhật, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc của địa phương, nhất là về nguồn vốn, thủ tục, đất đai, nhân lực, vận chuyển vật liệu… chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương những vấn đề vượt thẩm quyền để bảo đảm tiến độ, mục tiêu, yêu cầu đề ra;

Kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng những cách làm hay, gương điển hình và xem xét kỷ luật những trường hợp chậm tiến độ, không tích cực trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát…

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra hỗ trợ nhà ở đối với người có công;

Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ nguồn vốn sự nghiệp năm 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo;

Có phương án sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024; hướng dẫn ngay các địa phương xử lý các vướng mắc về thủ tục chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi địa phương kiến nghị;

Đôn đốc các tổ chức tín dụng chuyển kinh phí hỗ trợ cho các địa phương và tiếp tục tích cực tham gia hỗ trợ; huy động các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chuyển kinh phí hỗ trợ cho các địa phương và tiếp tục tích cực tham gia hỗ trợ thực hiện Chương trình… 

Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là rất nặng nề, đòi hỏi có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, là tình cảm, lương tâm của mọi người.

Kết quả cập nhật của 42 địa phương, đến nay đã hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát được 88.488 căn, với 48.989 căn đã khánh thành và khởi công mới 35.899 căn.

Trong đó, hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 5.196 căn; hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia là 50.909 căn; hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, dột nát là 28.783 căn. 

Đến nay có 12 địa phương nhận được hỗ trợ từ 12 đơn vị với tổng kinh phí 1.370 tỷ đồng; Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã tiếp nhận trên 72,452 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát.

Huyền Minh

Báo Lao động và Xã hội số 6

Tin liên quan