Kiếm tiền tỷ từ thu gom rơm rạ
Xuất phát ở vùng quê nghèo, anh Văn Anh (xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) nhận thấy giá trị kinh tế từ phụ phẩm nông nghiệp bị người dân vứt ngoài đồng sau mỗi vụ thu hoạch lúa, chàng trai 8X quyết định làm giàu từ những cọng rơm nhỏ bé.
Không ngờ thứ tưởng như bỏ đi này đã đem lại doanh thu "khủng"cho anh.

Năm 2011, vợ chồng anh Văn Anh tiến hành gom rơm. Ban đầu, việc gom rơm hoàn toàn thủ công. Với chiếc cào sắt, vợ chồng anh cào rơm ra phơi, gom lại, chất lên xe tải nhỏ, bán cho người dân vùng Nghi Ân, Nghi Đức (TP Vinh) làm thức ăn cho gia súc hay dùng giữ ẩm cho gốc cây cảnh.
Nhận thấy tiềm năng từ rơm, năm 2013, anh khăn gói vào miền Nam tìm hiểu cách gom rơm, trữ rơm, bán rơm. Sau hơn nửa tháng học hỏi kinh nghiệm, anh dốc toàn bộ số tiền tích trữ mua máy cuộn rơm trị giá hơn 100 triệu đồng và hành nghề gom rơm.
Nhờ chịu thương chịu khó và ham học hỏi, quy mô sản xuất rơm của gia đình ngày càng lớn, từ đó thị trường tiêu thụ mở rộng. Để phát triển, mở rộng mô hình, anh Văn Anh phải đầu tư thêm máy móc và thuê 22 lao động. Hết Nghệ An, Hà Tĩnh, nhóm lao động của anh Anh lại “hành quân” ra các tỉnh phía bắc như: Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình... để gom rơm.
Mùa vụ gom rơm bắt đầu từ cuối tháng 4, kéo dài cho đến hết tháng 10 hàng năm. Mỗi vụ thu hoạch, đội thu gom rơm của anh thu về hàng nghìn tấn rơm. Đáng chú ý, sau khi trừ chi phí nhân công, xăng xe, hao mòn máy móc, anh Anh thu về từ 400 - 500 triệu đồng/vụ.
Mỗi bó rơm nặng từ 18 - 20kg có giá bán khoảng 20.000 - 25.000 đồng, sấy khô giá từ 40.000 đồng/cuộn. Rơm sau khi phơi sấy, đóng thành từng khối sẽ xuất đi các trang trại chăn nuôi trong tỉnh Nghệ An hoặc vận chuyển ra một số tỉnh phía Bắc.
Anh nông dân 8X quyết tâm đầu tư thêm máy ép để tiết kiệm diện tích lưu kho và nâng cao giá trị của rơm. Bình thường một cuộn rơm cung ứng tận nơi có giá 40.000 đồng nhưng vào vụ tết hoặc thời tiết mưa gió, giá thành có thể lên tới 60.000 - 70.000 đồng/cuộn. Do đó, sấy khô, ép rơm thành khối dự trữ sẽ giúp nâng cao giá trị.
Với cái nhìn nhanh nhạy và ý chí quyết tâm làm giàu từ phụ phẩm của cây lúa, anh Văn Anh không chỉ giúp gia đình kiếm hàng tỷ đồng mỗi năm mà còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động; đồng thời hạn chế được tình trạng ô nhiễm do nông dân đốt rơm rạ mỗi khi hết vụ.
Trồng nấm từ rơm

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất trồng lúa, nhìn cảnh năm nào sau thu hoạch bà con trong vùng cũng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, ông Vũ Tuấn Hiệp (xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) luôn mong có thể làm gì đó khác.
Sau khi tình cờ học qua một lớp về sản xuất nấm, ông quyết định mua máy cuộn rơm về để làm, vừa là tận dụng nguyên liệu rơm rạ sẵn có ở địa phương, vừa để bảo vệ môi trường sống.
Hợp tác xã Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp đã được thành lập từ năm 2014 với 7 thành viên. Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, số lượng thành viên đã tăng lên 12.
Hiện hợp tác xã đang sản xuất nấm sò, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm linh chi, mộc nhĩ... trên diện tích hơn 3.000m2 với 2 dòng nấm chủ lực là nấm đùi gà, nấm sò.
Trung bình, mỗi năm hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 40 tấn nấm các loại với giá bán 160.000 đồng/kg mộc nhĩ khô, 800.000 đồng/kg nấm linh chi khô, 35.000 - 40.000 đồng/kg nấm sò tươi, 50.000 đồng/kg nấm đùi gà tươi…
Đặc biệt, 2 sản phẩm mặc dù mới ra mắt nhưng được người tiêu dùng ủng hộ rất nhiều là nem nấm với giá 180.000 đồng/kg và giò nấm 130.000 đồng/kg.
Đến nay, hợp tác xã sở hữu 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng 3 sao, gồm: Nấm sò trắng Tuấn Hiệp, nấm sò nâu Tuấn Hiệp, nấm Linh chi Xuân Thủy, mộc nhĩ thái sợi Tuấn Hiệp, nem nấm Tuấn Hiệp, giò nấm Tuấn Hiệp.
Với tổng doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu về chiếm trên 80%, thị trường đầu ra của hợp tác xã rất thuận lợi, cung không đủ cầu.
Ông Hiệp cho hay, nguồn nguyên liệu đầu vào đang được Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp tận dụng là từ rơm khô sau khi bà con nông dân thu hoạch lúa xong. Đây là nguồn nguyên liệu quý giá đang bị bỏ phí nhiều năm nay.
"Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, bà con nông dân thường vứt bỏ rơm trên đồng ruộng hoặc đốt gây khói bụi, ô nhiễm môi trường. Để nguồn tài nguyên không bị bỏ rơi, lãng phí, hợp tác xã đã đầu tư máy cuộn rơm, phục vụ cho sản xuất, qua đó giảm thiểu chi phí đầu vào", ông Hiệp tâm sự.
Hợp tác xã Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp tạo công ăn việc làm cho 12 lao động chính thức và 10 lao động thời vụ. Hợp tác xã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, giúp đỡ nhiều nông dân xóa đói, giảm nghèo.
Theo Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), mỗi năm Việt Nam đốt trên 20 triệu tấn rơm rạ, chiếm khoảng 60%. Việc này không chỉ lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính, cản trở giao thông… Để tăng lợi ích từ rơm rạ, người dân có thể làm phân bón, thức ăn gia súc, trồng nấm. Đây là những cách đơn giản giúp nông dân kiếm được tiền từ phế phẩm nông nghiệp. |
Vân Khánh
Báo Lao động và Xã hội số 84