Đây không chỉ là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước.
Ngôi làng đặc biệt
Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (còn có tên khác là bản làng Thái Hải, gia đình Thái Hải) thuộc xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên từng được chuyên trang du lịch CNN Travel liệt kê vào danh sách những vùng nông thôn đẹp nhất thế giới.
Năm 2022, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao tặng giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” cho làng Thái Hải.


Không giống bất cứ làng nào khác ở Việt Nam, tại ngôi làng đặc biệt này, các gia đình nhỏ không có sở hữu riêng. Người dân trong làng cùng ăn chung nồi cơm, tiêu chung túi tiền, cùng nuôi dạy con cái và làm du lịch cộng đồng.
Sản phẩm do mỗi người làm ra đều được tập hợp lại, sau đó phục vụ cho nhu cầu của từng người và cộng đồng làng. Toàn bộ hoạt động sản xuất ở Thái Hải đều mang tính tự cung tự cấp.
Mỗi người ở Thái Hải chỉ làm một việc. Người giỏi chăn nuôi thì đảm nhận việc chăn nuôi; người giỏi giao tiếp thì làm nhiệm vụ giao tiếp, đối ngoại; ai có kinh nghiệm làm thuốc thì cứ làm thuốc…
Mỗi ngày, từ 5h sáng, sau một hồi mõ báo, các gia đình thức dậy. Trong khi đàn ông nhóm bếp, mài dao chuẩn bị cho một ngày lao động thì các bà, các cô ra giếng làng lấy nước, đun nước pha trà. Sau khi cùng ăn sáng, mọi người tỏa đi làm công việc của mình.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Trưởng bản làng Thái Hải đồng thời là Giám đốc Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải cho biết: “Năm 2002, tôi thế chấp nhà cửa, tài sản ở TP Sông Công để về đây mua đất với mục đích trồng rừng và làm nơi bảo tồn nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày.
Bởi thời điểm đó, nhiều bà con vùng ngược bán nhà sàn lấy tiền. Không cam tâm nhìn “nhà sàn chảy máu”, tôi mua nhà sàn, thuê thợ vận chuyển về đây dựng lại theo nguyên mẫu cũ. Cuối năm 2003, tôi dựng lại hoàn chỉnh 28 nếp nhà sàn cổ, đến nay đã tăng lên 30. Nhà dựng dựa trên triết lý âm dương ngũ hành, kín đáo, thoáng mát”.
Làng Thái Hải có nhiều dân tộc quy tụ như: Tày, Nùng, Dao, Kinh từ nhiều tỉnh, thành Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ. Mọi người đoàn kết, xem như người một nhà. Hiện cả bản có tất cả 30 hộ với 202 nhân khẩu và có thêm 4 nhóm dân tộc cùng sinh sống là người Kinh, Nùng, Sán Chay, Dao. Có gia đình tới 4 thế hệ cùng ở.
Bà Nông Thị Hảo (60 tuổi) là một trong những người đầu tiên tin tưởng và theo chân trưởng làng về Thái Hải. Hơn 20 năm, bốn thế hệ của gia đình bà đã gắn bó. Bà kể: "Ở làng, chẳng ai phải nghĩ đến tiền, cũng chẳng phải nghĩ bữa nay ăn món gì vì chúng tôi không cần mua sắm.
Việc lớn nhỏ trong làng đều do trưởng làng lo liệu. Trẻ con đi học, người già đau ốm đều được chăm nom chu đáo. Mỗi nhà đảm nhận mỗi việc, có nhà làm chè, nhà làm bánh truyền thống, nhà nuôi ong, nhà làm thuốc nam, nhà nấu rượu, nhà dệt thổ cẩm… Đến bữa cơm, mọi người cùng ăn chung", bà Hảo cho biết.
Điểm du lịch hấp dẫn

Năm 2014, Thái Hải trở thành khu du lịch của Thái Nguyên, bắt đầu chào đón người bên ngoài tới bản. Từ những ngày đầu mày mò làm du lịch, bà Thanh Hải đã định hướng phát triển dựa trên nguồn lực của bản với 3 sản phẩm chủ lực là kiến trúc nhà sàn, ẩm thực và văn hóa truyền thống của người Tày. Tức lấy cây nhà lá vườn mời khách, lấy người mình đón khách.
Lớp trẻ trong làng sẽ đón và hướng dẫn du khách đến tham quan, rồi cùng chuẩn bị những bữa cơm tươm tất cho bà con trong bản cũng như du khách. Ai nấy đều vui vẻ làm việc và không cần trả lương. Mọi khoản thu từ hoạt động du lịch đều được chuyển về quỹ chung của làng, từ đó trang trải cho trẻ con đi học, lo cho trai gái đến tuổi dựng vợ gả chồng, lo cho cuộc sống của dân làng.
Với giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” do UNWTO trao tặng năm 2022, lượng khách du lịch thêm đông. Để thích nghi và đáp ứng tốt trải nghiệm cho khách, người dân luôn lắng nghe, tìm giải pháp cải tạo, đổi mới hợp lý.
Họ bổ sung thêm các khu dịch vụ với nhà lá dài gần 100m, nằm ven hồ để tổ chức sự kiện ngoài trời. Một khu nhà dài để phục vụ ẩm thực cho khách đoàn lớn và một khu ngăn nhỏ nhiều gian cho khách ít người.
Ẩm thực cũng phong phú với hơn 100 món ăn như: Khâu nhục, lợn quay nguyên con, thịt trâu nướng, thịt trâu xào mẻ, gà nướng mộc, canh gà nấu gừng mẻ, cá chép om mẻ, cá nướng than hoa, cá om măng chua, ốc xào măng chua, nộm hoa chuối rừng, xôi ngũ sắc…
Năm 2022, cầu vàng, cầu bạc được xây dựng, tạo thêm điểm vãn cảnh. Đến năm 2023, Không gian tết Tày chính thức đi vào hoạt động. Năm 2024 có thêm dịch vụ ngâm chân lá thư giãn. Hiện bản làng có năng lực tiếp đón, phục vụ ăn, uống, ngủ, nghỉ cùng lúc hơn 1.200 khách.
Đến với làng sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên), du khách sẽ được đắm mình giữa thiên nhiên tươi xanh với những con người mộc mạc, hồn hậu trong sắc áo chàm, được nghe các làn điệu hát Then mượt mà, thưởng thức những món ăn độc đáo của bản làng.
Hàng tháng, Thái Hải đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Làng đã có du khách của hơn 40 quốc gia đặt chân đến nơi đây.
Chị Hoàng Lan (du khách Hà Nội) cho biết: "Đến đây, tôi được trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn như trồng rau, bắt sâu, nấu ăn như người dân bản địa. Các hoạt động múa chày, chơi đàn tính, hát then… khiến tôi thích thú và chẳng muốn về. Đặc biệt, các món ăn ở đây rất ngon, phong phú. Mong rằng những mô hình tương tự sẽ được nhân rộng hơn nữa".
Nuôi dưỡng từ những giá trị tốt đẹp, cộng đồng bản Thái Hải như chiếc cây chắc rễ, dù phát triển hơn về quy mô, chào đón hàng nghìn khách đa quốc tịch, sát nhập thêm nhiều nhóm dân tộc mà vẫn không mất đi nét đẹp truyền thống.
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 26