Tấm gương thương binh làm giàu từ nông nghiệp
Sau khi xuất ngũ trở về từ chiến trường Campuchia về quê xã Đức Quang huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh, thương binh hạng 4 Trần Văn Đào (SN 1964) theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước kêu gọi vào vùng kinh tế mới Tây Nguyên lập nghiệp.
Bác Đào chọn định cư ở thôn 5, xã Ea Kiết, huyện CưMgar, tỉnh Đắk Lắk.
Năm 1989, bác Đào đến đất Tây Nguyên vào làm công nhân ở Công ty Lâm Nghiệp Buôn Ja Vầm - Liên Hiệp Ea Súp. Ngoài thời gian làm việc cho công ty, bác Đào đã kiên tr, chịu khó, quyết tâm khai hoang được 2ha đất.
Trên mảnh đất này, đất bác Đào đã trồng xen canh cà phê, tiêu và các loại cây ăn trái khác. Nhờ thổ nhưỡng tốt tươi nên cây trồng đều cho năng suất cao, đời sống dần được ổn định.
Với phương châm ham học hỏi, bác Đào đã học thêm kiến thức ký thuật và kinh nghiệm của những người đi trước, nhờ đó mà vườn cây xen canh cà phê tiêu và sầu riêng của nhà bác Đào mùa sau phát triển tươi tốt hơn, cho năng suất cao hơn mùa trước.
Bác Đào cho biết: "Gần 40 năm ở mảnh đất quê hương thứ 2, tôi đã đạt ấm no hạnh phúc. Tôi và gia đình nuôi con khỏe dạy con ngoan vâng lời bố mẹ. Đến nay 5 người con của tôi đều học đại học và trên đại học, đã lập gia đình, có công việc làm ổn định, thành đạt, kinh tế khá giả".
Vài năm trở lại đây nhờ giá cả sầu riêng, cà phê, tiêu đạt giá cao nên kinh tế gia đình tôi được tăng thêm, tổng thu nhập một năm khoảng trên 600 triệu đồng.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, thương binh Trần Văn Đào còn nhiệt tình tham gia công tác ở địa phương như Thường vụ Hội Cựu Chiến binh, Hội đồng Nhân dân Xã…
Hiện nay với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn 5 xã Ea Kiết, huyện CưMgar, bác Đào cũng tích cực cùng cấp ủy, ban tự quản, các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.
Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư Mgar Nguyễn Hồng Minh nhận xét: “Ông Trần Văn Đào không chỉ là người dũng cảm trong chiến đấu mà còn năng động trong phát triển kinh tế, có nhiều đóng góp trong sự phát triển chung của địa phương. Nghị lực vượt khó vươn lên của ông là tấm gương sáng thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Vượt lên thương tật, phát triển kinh tế
Sau khi xuất ngũ trở về quê nhà Bình Định với thương tật 61%, thương binh Nguyễn Văn Xinh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nên năm 1987 ông cùng gia đình rời quê hương Bình Định vào lập nghiệp tại thôn 5 xã Cư Mốt, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk.
Với bản lĩnh, ý chí của người lính Cụ Hồ, ông Xinh đã cố gắng, nỗ lực vượt qua hoàn cảnh bệnh tật, khó khăn trong thời gian bước đầu lập nghiệp, để phát triển kinh tế gia đình. Trải qua nhiều công việc khác nhau, vợ chồng ông Xinh mua được hơn 1 ha đất rẫy, để trồng cà phê và tiêu.
Qua tìm hiểu học hỏi, ông Xinh đã trồng xen 700 trụ tiêu và 1.000 cây cà phê.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, bình quân mỗi năm gia đình ông thu được hơn 3 tấn tiêu và hơn 3 tấn cà phê, với thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Tận dụng khoảng trống giữa các cây, từ năm 2018, ông Xinh còn trồng xen thêm 50 cây sầu riêng và bơ booth để có thêm nhiều nguồn thu nhập.
Ông Xinh cho hay, khi trồng cà phê xen hồ tiêu, tỷ lệ sâu bệnh trên cả hai loại cây đều giảm so với trồng thuần cà phê. Cây hồ tiêu được trồng dưới gốc trụ sống nên không cạnh tranh dinh dưỡng với cây cà phê.
Để tiêu đạt năng suất cao, ông thường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân chuồng bón cho cây, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật nhằm tăng khả năng chống lại các loại sâu bệnh hại nguy hiểm.
Không chỉ sản xuất giỏi, ông Xinh luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, hoạt động của điạ phương, tích cực cùng với nhân dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất cho người dân để cùng phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.