Ngày 15/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội.

Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) tỉnh Thanh Hóa, khẳng định:
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả, đạt được kết quả quan trọng góp phần cải thiện đời sống nhân dân;
Tỷ lệ hộ nghèo giảm; thu hẹp chênh lệch về mức sống giữa các vùng miền, cộng đồng dân cư và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, hoạt động “tín dụng đen”, gây mất ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...
Ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc NHCSXH Thanh Hóa, cho biết đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn đạt 14.415 tỷ đồng, tăng 7.411 tỷ đồng so với năm 2014. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 633 tỷ đồng, tăng 507 tỷ đồng so với năm 2014.
Cùng với nguồn vốn từ trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH trên địa bàn đã hỗ trợ cho hơn 847.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 32.588 tỷ đồng, tổng doanh số thu nợ đạt 25.173 tỷ đồng, bằng 77,2% doanh số cho vay.

NHCSXH đã phối hợp với chính quyền các địa phương thiết lập 558 điểm giao dịch cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng, thành lập và quản lý 6.431 tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, bản, tổ dân phố.
Từ nguồn vốn tín dụng đã giúp trên 194.000 hộ thoát ngưỡng nghèo và góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 3,52% vào cuối năm 2023.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh cũng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị.
Ông Sinh cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cần tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt “Đề án hỗ trợ nguồn vốn giải quyết việc làm từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH”, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH hoạt động, phục vụ tốt nhu cầu vay vốn của người dân.

Phương).
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt việc rà soát và kịp thời cập nhật, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Tích cực vận động các nguồn vốn không hoàn lại, nguồn vốn không lãi suất từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để bổ sung vào nguồn vốn tín dụng chính sách.
Phấn đấu đưa nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt mức tối thiểu 15%/tổng nguồn vốn tín dụng chính sách theo mục tiêu của Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030...
Nhân dịp này, 33 tập thể, 66 cá nhân đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chinh sách xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.