Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Bảo hiểm xã hội

4 thay đổi lớn liên quan tới Bảo hiểm y tế từ năm 2025

Thanh Nhung
Thanh Nhung

Một số điểm mới đáng chú ý về chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) từ năm 2025 người dân cần biết để đảm bảo quyền lợi của mình.

Ngoài 4 điểm mới về chính sách BHYT được nêu ra dưới đây, còn có một số điểm mới mà khi khám chữa bệnh BHYT có những thay đổi lớn đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người dân như: Bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng cấp chuyên sâu; Không phân chia danh mục thuốc BHYT theo hạng bệnh viện…

 Thêm 4 trường hợp được hỗ trợ mức đóng BHYT từ 1/7/2025

Cụ thể, tại khoản 10 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2024 đã sửa đổi, bổ sung Điều 12 Luật BHXH 2008, nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng gồm:

Người thuộc hộ gia đình cận nghèo; Học sinh, sinh viên; Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật; Nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản;

Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật; Người DTTS đang sinh sống tại các xã được xác định không còn thuộc vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT theo quy định của Chính phủ;

Người được tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú theo quy định của Luật Di sản văn hóa 2001; Nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người 2011.

4 thay đổi lớn liên quan tới Bảo hiểm y tế từ năm 2025 - 1
Một số điểm mới đáng chú ý về chính sách BHYT từ năm 2025 người dân cần biết (Ảnh minh họa: DT).

Như vậy, so với quy định hiện hành tại khoản 4 Điều 12 Luật BHYT 2008 và Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP và khoản 2 Điều 32 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023, Luật mới đã bổ sung thêm 4 trường hợp được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm:

1) Nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản;

2) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật;

3) Người được tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.

4) Nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người 2011.

Căn cứ theo khoản 11 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2024, mức đóng hằng tháng của nhóm đối tượng được hỗ trợ mức đóng tối đa bằng 6% mức tham chiếu do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng.

Thêm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc

Cụ thể người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên kể cả trường hợp thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.

Đồng thời, Luật sửa đổi 2024 cũng bổ sung đối tượng tham gia BHYT bắt buộc gồm:

- Nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản

- Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

- Người ≥ 75 tuổi đang hưởng tuất hàng tháng

- Người ≥ 70 - dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng tuất hàng tháng…

Sửa đổi, bổ sung phương thức đóng BHYT

Từ 1/7/2025, các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh đóng theo phương thức đóng hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần nếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo sản phẩm, theo khoán.

Trong khi đó, quy định cũ tại khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi Luật BHYT 2014, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không trả lương theo tháng thì định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng một lần, người sử dụng lao động đóng BHYT cho người lao động và trích tiền đóng BHYT từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ BHYT.

Đồng thời, bổ sung thời hạn đóng BHYT chậm nhất đối với người sử dụng lao động được quy định như sau:

Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo: Đóng hằng tháng

Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng: Đóng 3 tháng/lần hoặc 6 tháng/lần.

Bệnh viện không có thuốc, người bệnh BHYT mua ngoài được hoàn tiền

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư 22/2024/TT-BYT của Bộ Y tế sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2025.

Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư vẫn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố. Theo đúng quy định thì người dân khi khám chữa bệnh sẽ nhận thuốc tại nhà thuốc của bệnh viện và cơ sở y tế nhưng nhiều trường hợp cơ sở y tế lại không có sẵn, người bệnh buộc phải bỏ tiền túi mua ở ngoài.

Tuy nhiên, từ 1/1/2025, theo Điều 3 Thông tư 22/2024/TT-BYT, trường hợp bác sĩ kê đơn thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm nhưng thời điểm đó bệnh viện không có thuốc, bệnh nhân phải mua thuốc ngoài thì bảo hiểm sẽ hoàn trả tiền lại cho bệnh nhân nếu đáp ứng điều kiện sau đây:

- Tại thời điểm kê thuốc, chỉ định sử dụng thiết bị y tế mà không có thuốc, thiết bị y tế do đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch đã được duyệt theo một trong các hình thức:

Đấu thầu rộng rãi/đấu thầu hạn chế/chào hàng cạnh tranh/mua sắm trực tiếp/chào giá online/mua sắm online và đã thực hiện chỉ định thầu rút gọn nhưng không lựa chọn được nhà thầu.

Cơ sở y tế không có thuốc ngoài danh mục BHYT và không thể thay thế để kê đơn cho người bệnh.

Không chuyển người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác khi tình trạng sức khỏe của người bệnh không đủ điều kiện để chuyển tuyến…

Theo đó, cơ quan BHXH sẽ thanh toán trực tiếp cho người theo số lượng và đơn giá được ghi trên hóa đơn do người bệnh mua tại cơ sở kinh doanh dược.