Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi các cơ quan lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Dự thảo Nghị định điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, tăng 38,9% (đáp ứng bằng 1/3 chuẩn nghèo khu vực nông thôn và bằng 1/4 chuẩn nghèo khu vực thành thị giai đoạn 2021-2025).
Ước tính tổng kinh phí năm 2024 là 32.293 tỷ đồng (tăng thêm 4.718 tỷ đồng thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024) để thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng (với mức chuẩn trợ giúp xã hội 500.000 đồng/tháng) cho khoảng 3,356 triệu đối tượng bảo trợ xã hội và 349.000 đối tượng hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc.
Vẫn theo Bộ LĐ-TB&XH, việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội hàng tháng để bảo đảm đời sống cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội phù hợp Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, Hiến pháp năm 2013 và thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Được biết, cả nước có khoảng 3,7 triệu đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù ngân sách nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn ưu tiên đầu tư cho an sinh xã hội, trợ cấp xã hội.
Mức chuẩn trợ giúp xã hội hiện hành được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP là 360.000 đồng/tháng. Tổng kinh phí Nhà nước đang chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, cấp thẻ BHYT khoảng 28.000 tỷ đồng/năm.
Hiện, 14 tỉnh, thành phố đã nâng mức trợ giúp xã hội cao hơn mức quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP.
Đồng thời, 32 tỉnh, thành phố đã quy định thêm các đối tượng thuộc diện trợ cấp, trợ giúp chưa được quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP.
Theo Nghị định 20, hiện có 8 nhóm đối tượng bảo trợ xã hội đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng như: Trẻ em dưới 16 tuổi bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi, mồ côi cả cha và mẹ; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo; Người cao tuổi thuộc thuộc diện hộ nghèo, người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Người từ đủ 80 tuổi trở lên không không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng; người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng... |