Đây là dịp nhằm hỗ trợ phổ biến quy định của pháp luật và giải đáp các câu hỏi vướng mắc, tháo gỡ khó khăn về trích nộp bảo hiểm xã hội và giải quyết các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp Thành phố. Đây là Hội nghị Đối thoại trực tiếp lần thứ 229 của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố.
Ban tổ chức cũng đã tiếp nhận câu hỏi của hơn 250 doanh nghiệp gửi đến chương trình liên quan các vấn đề về giải quyết chế độ thai sản, chế độ ốm đau, chính sách hỗ trợ người lao động; chi trả trợ cấp thôi việc; chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động làm việc từ hai hợp đồng lao động trở lên; bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài; bảo hiểm xã hội cho người lao động có công việc nặng nhọc, độc hại; thủ tục đăng ký bảo hiểm cho doanh nghiệp; những vướng mắc trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội ở ứng dụng VssID,...
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Thanh cho biết, qua buổi đối thoại hôm nay, chúng tôi muốn lắng nghe doanh nghiệp trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, cũng như khi triển khai quy định vào thực tế khó khăn; về thái độ phục vụ của cán bộ để tiếp thu, phục vụ ngày càng tốt hơn cho doanh nghiệp...
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp đã phản ánh đến cơ quan bảo hiểm xã hội cách truy cập, cập nhật dữ liệu từ ứng dụng Bảo hiểm xã hội số-VssID còn chậm, thậm chí bị lỗi, việc cập nhật quá trình đóng bảo hiểm xã hội trên VSSID của nhân viên thể hiện chưa đầy đủ...
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, VssID là ứng dụng được Bảo hiểm xã hội cung cấp cho người lao động có thông tin về quá trình đóng bảo hiểm xã hội, lịch sử khám,chữa bệnh cũng như người lao động có thể xem tất cả việc giải quyết chế độ trên ứng dụng này.
Thời gian qua, hệ thống bảo hiểm xã hội đang cập nhật nhiều lần và tiếp tục cập nhật.
Trước đây, hệ thống mật khẩu được cung cấp qua hệ thống điện thoại di động nhưng hiện hệ thống điện thoại đang được nâng cấp, kể cả mật khẩu.
Do đó, các đơn vị và người lao động liên hệ với Bảo hiểm xã hội qua đường dây nóng để được hướng dẫn cụ thể những vướng mắc gặp phải.
Trong trường hợp quá trình bảo hiểm xã hội trên ứng dụng Bảo hiểm xã hội số-VssID thể hiện chưa đầy đủ, người tham gia vui lòng phản hồi cho cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi tham gia sau cùng để tiếp nhận và liên hệ tại Văn phòng Bảo hiểm xã hội Thành phố, số điện thoại 028.3997.9039 (số nội bộ 1707 hoặc 1708), tổng đài chăm sóc khách hàng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam số 1900 9068 để được hỗ trợ.
Đại diện công ty VNG LOGISTICS hỏi, theo Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019, thì "Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động". Nếu công ty tôi ký HĐLĐ gộp cả thời gian thử việc, thì công ty tôi có thể đóng BH bắt buộc cho NLĐ trong thời gian thử việc được không? Và thêm một trường hợp nữa là nếu trong thời gian thử việc đó NLĐ không đạt yêu cầu hoặc tự nghỉ việc thì nếu công ty đã đóng BH bắt buộc rồi, công ty có phải điều chỉnh lại do không đủ thời gian được đảm bảo tham gia Bảo hiểm bắt buộc không? Công ty tôi thuộc BHXH Quận 1, TP.HCM.
Bảo hiểm xã hội TP.HCM trả lời, Căn cứ Luật BHXH năm 2014; Bộ Luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn dưới Luật quy định: Người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc; Người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.Trường hợp người lao động có thời gian tham gia thử việc ghi trong HĐLĐ mà HĐLĐ đó thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu, người lao động nghỉ việc, đơn vị căn cứ quy định trên để thực hiện đóng BHXH cho người lao động.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC), Trưởng Ban điều hành Hệ thống Đối thoại doanh nghiệp-chính quyền Thành phố chia sẻ, hiện nay, hệ thống đối thoại doanh nghiệp cùng chính quyền thành phố không chỉ tổ chức đối thoại trực tiếp mà thông qua cổng thông tin điện tử, chúng ta cũng có thể gửi các câu hỏi những vấn đề khó khăn vướng mắc.
"Với trách nhiệm Ban điều hành, chúng tôi sẽ chuyển đến cơ quan chức năng, không chỉ dừng lại ở lĩnh vực bảo hiểm xã hội mà tất cả các lĩnh vực khác, hệ thống đối thoại, với các thành viên ban điều hành, đại diện các sở, ngành, các quận, huyện có trách nhiệm phản hồi những thông tin mà doanh nghiệp phản ánh", ông Lữ thông tin.
Được biết, tính đến hết tháng 1/2023, toàn địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 1.022 DN nợ tiền BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Do nhiều nguyên nhân, tình trạng DN trốn, hoặc chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ngày càng phức tạp dù đã diễn ra nhiều năm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Tính đến hết năm 2022, TP. Hồ Chí Minh có gần 2,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 61.640 người tham gia BHXH tự nguyện, hơn 8,5 triệu người tham gia BHYT. Số thu BHXH, BHYT, BHTN trong cả năm 2022 của TP. Hồ Chí Minh là 77.604 tỷ đồng, đạt 103,03% kế hoạch.
Riêng tháng 1/2023, tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên 7,7 triệu người, trong đó tham gia BHXH bắt buộc trên 2,5 triệu người, tham gia BHXH tự nguyện 31.295 người, tham gia BHYT trên 7,7 triệu người. Trong tháng, toàn thành phố thu được 5.127 tỷ đồng, tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước và đạt 5,98% kế hoạch được giao trong năm 2023.