Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Bảo hiểm xã hội

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH là tăng độ bao phủ mạng lưới an sinh

Thanh Nhung
Thanh Nhung

(Dân sinh) - Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, liên quan đến đông đảo người dân, người lao động. Vì vậy, việc sửa đổi luật lần này được kỳ vọng có những giải pháp đột phá để thực hiện lộ trình cải cách chính sách BHXH, từng bước mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp 

Sáng 23/11/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Sau phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động – TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bên cạnh các nội dung sửa đổi khác, đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc mở rộng nhóm tham gia BHXH bắt buộc, theo các đại biểu, phương án này sẽ giúp số người tham gia vào hệ thống BHXH tăng cao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên thảo luận hội trường về dự án Luật BHXH (sửa đổi)

Rà soát các tác động việc mở rộng tham gia BHXH bắt buộc

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho rằng, BHXH là chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước ta nhằm mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và quyền lợi cho người lao động…

Bày tỏ quan tâm đến đối BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, đại biểu thống nhất việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng như Chính phủ đề xuất, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu, nội dung cải cách chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28. 

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, cần quan tâm là nhiều người trong số nhóm đối tượng dự kiến được mở rộng như nhóm người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, nhóm người làm việc không trọn thời gian, nhóm người quản lý, điều hành hợp tác xã đều là những người có thu nhập thấp.

“Vì vậy, cần tiếp tục rà soát và đánh giá kỹ hơn các tác động của các chính sách liên quan về BHYT, BHXH một lần, xác định rõ chủ thể sử dụng lao động và việc bảo đảm kinh phí để đóng BHXH… để qua đó, các chính sách thực sự khả thi”, đại biểu Trần Thị Thanh Hương nói.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) thống nhất việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng như Chính phủ đề xuất.

Đồng thuận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng cho rằng “mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là điều cần thiết”.

Theo đại biểu, so với luật hiện hành, dự thảo luật đã mở rộng thêm nhiều đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như: chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, người quản lý doanh nghiệp, người đại diện cổ phần vốn nhà nước…

“Quy định này phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri trong nhiều năm gần đây. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri thường kiến nghị nội dung tham gia BHXH bắt buộc đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ở tổ dân phố”, nữ đoàn Hải Dương nói. 

Đồng thời, đại biểu nhấn mạnh thêm, việc tham gia BHXH của chủ hộ kinh doanh trong thời gian qua cũng gặp nhiều vướng mắc, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hộ kinh doanh cá thể.

Vì thế, “việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH đương nhiên sẽ mở rộng mạng lưới bao phủ BHXH. Đây là cái đích chúng ta hướng đến, tạo mạng lưới an sinh xã hội vững chắc và hiệu quả”, đại biểu Nga nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, việc mở rộng này thể hiện định hướng từng bước mở rộng đối tượng tham gia BHXH.

Cần có chế tài quy định kiểm soát, thực hiện nghiêm xử phạt

Cũng quan tâm đến nội dung mở rộng 5 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc của dự thảo Luật, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cho rằng, việc mở rộng này thể hiện định hướng từng bước mở rộng đối tượng tham gia BHXH.

Tuy nhiên, cũng cần đánh giá tác động đến các chi phí phát sinh, đồng thời cần có chế tài xử phạt nghiêm minh để tránh tình trạng chậm và trốn đóng BHXH.

Đại biểu phân tích, việc bổ sung các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thể hiện sự định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BH bắt buộc, nhưng sẽ làm phát sinh thêm chi phí của cả người lao động và người sử dụng lao động.

“Do đó cần nghiên cứu đánh giá kỹ tác động và làm rõ các lợi ích chi phí khi tham gia BHXH bắt buộc của các nhóm đối tượng này; tránh phát sinh các phản ứng tiêu cực”, bà Mai nói.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Hưng Yên băn khoăn, theo báo cáo đánh giá tác động chính sách trong sách trong dự án luật, có gần 2 triệu hộ đăng ký kinh doanh, khoảng 270.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn tổ dân phố, chưa kể ba nhóm đối tượng còn lại chưa có thống kê cụ thể.

“Thực tiễn vừa qua cho thấy, tình trạng trốn, nợ đóng BHXH đối với các đối tượng dễ quản lý và dễ xử lý và xử lý hơn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó nếu mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như dự thảo luật, cần phải có chế tài quy định kiểm soát và thực hiện nghiêm xử lý xử phạt nghiêm minh, để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định…”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng

Đồng quan điểm, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cũng cho rằng: “Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như tại điểm a khoản 1 là khá bao trùm các đối tượng và rất là rộng. Tuy nhiên, đề nghị cần có những chế tài để đảm bảo tính khả thi về quy định này”.

Vì theo phân tích của đại biểu Tô Văn Tám, thực tế đối tượng lao động này rất rộng.

“Họ làm tất cả các việc và thường xuyên di chuyển trong khi hiện nay chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu về lao động, nên không thể nắm hết được đối tượng lao động này. Do đó, cần có chế tài để đảm bảo tính khả thi cho đối tượng này”, đại biểu lưu ý thêm. 

Từ đó, đại biểu tán thành việc mở rộng các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, và dự thảo cần làm rõ cơ sở quy định mở rộng các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

“Đề nghị cần chú ý chủ hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Quy định này là một bước mới so với luật hiện hành”, ông Tám nói, và bày tỏ băn khoăn, quy định đã thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết 28 hay chưa thì cần làm rõ. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ cơ sở quy định này.

Góp ý về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) băn khoăn là tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Vì thế, đại biểu đề nghị ngoài thủ tục hành chính đơn giản thì Nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích bước đầu bù đắp một phần đối với các đối tượng này.

Bên cạnh đó, có chính sách BHXH bắt buộc linh hoạt theo nguyên tắc đóng ít - hưởng ít, đóng nhiều - hưởng nhiều để tạo sự lựa chọn và sự hấp dẫn cho người tham gia.

Theo Tờ trình dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ bổ sung 5 nhóm lao động đóng BHXH bắt buộc từ năm 2025

Cụ thể, dự thảo đề xuất bổ sung 5 nhóm lao động phải đóng BHXH bắt buộc gồm:

(i) Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh);

(ii) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyển trách ở cấp xã.

(iii) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương;

(iv) Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt);

(v) Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giảm sát của một bên, phù hợp với Bộ luật Lao động 2019.

Thanh Nhung

.