Thông tin cho rằng, Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, theo quy định người lao động sẽ không còn được hưởng BHXH 1 lần nữa, là không chính xác.
Khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH
Trước băn khoăn của nhiều người lao động về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Duy Cường thông tin, Nhà nước luôn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH, ở lại hệ thống để thụ hưởng tối đa các quyền lợi, ổn định cuộc sống khi về già, tránh thiệt thòi khi rút BHXH một lần.
Theo quy định tại Luật BHXH (sửa đổi), người lao động được hưởng BHXH 1 lần như sau:
Đối với người lao động đã tham gia trước ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (1/7/2025) đã nghỉ việc mà có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH.
- Ra nước ngoài để định cư.
- Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan, lao nặng, AIDS.
- Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người khuyết tật đặc biệt nặng.
- Sau 12 tháng mà không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm.
Đối với người lao động mới bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (1/7/2025) trở đi, đã nghỉ việc mà có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH.
- Ra nước ngoài để định cư.
- Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS.
- Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người khuyết tật đặc biệt nặng.
Gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn
Số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, giai đoạn 2016-2022, có khoảng 4,85 triệu người hưởng BHXH 1 lần, trong đó số người quay trở lại đóng BHXH là 1,24 triệu người (chiếm tỷ lệ 25,56% số người hưởng BHXH 1 lần).
Nguyên nhân chủ yếu khiến gần 950.000 người rút BHXH 1 lần là do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng lao động thiếu việc làm, mất việc làm gia tăng.
Đa số người lao động có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn, đã khiến họ quyết định chọn rút BHXH 1 lần.
Một nguyên nhân nữa khiến người lao động rút BHXH 1 lần là quy định điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu là quá dài.
Để giảm tình trạng hưởng BHXH 1 lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, Luật BHXH mới đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để nhận lương hưu, thay vì nhận BHXH 1 lần. Đó là:
- Giảm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
- Được hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
- Được hưởng BHYT do ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng.
Ngoài ra, trong thời gian người lao động bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn trước mắt.
Nhận BHXH 1 lần, có còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Bên cạnh đó, người lao động cũng băn khoăn liệu rút BHXH 1 lần rồi, có được hưởng trợ cấp thất nghiệp; cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp thế nào; thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp ra sao…?
Trước những quan tâm này, Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng, BHXH Hà Nội Dương Thị Minh Châu thông tin, người lao động rút BHXH 1 lần rồi nhưng còn thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng thì vẫn được bảo lưu.
"Sau này, khi người lao động đi làm và tiếp tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được cộng nối thời gian đã đóng trước đó", bà Châu cho biết.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.