Cụ thể như thanh toán khám, chữa bệnh và hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa...
Tại buổi thảo luận tổ tại Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, vấn đề xóa bỏ rào cản địa giới hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT và mở tuyến, thông tuyến với bệnh hiểm nghèo cũng như khắc phục những bất cập, khó khăn để người dân được hưởng các quyền lợi BHYT đầy đủ hơn... được các đại biểu quan tâm, thảo luận.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, cần mở rộng đối tượng tham gia BHYT để mở rộng diện bao phủ, trong đó bổ sung một số nhóm đối tượng như: Người lao động có xác định thời hạn đủ 1 tháng trở lên thì được đóng BHYT; người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi làm việc theo hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
Dẫn báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2023, tính đến ngày 31/12/2023, số người tham gia BHYT là hơn 93,6 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 93,35% dân số, bà Sương đề nghị rà soát số còn lại là những đối tượng nào để phân loại theo nhóm, bổ sung quy định tham gia BHYT để tăng tỷ lệ BHYT toàn dân;
Đồng thời kiến nghị, cần mở rộng thanh toán một số dịch vụ y tế đảm bảo thực hiện và đáp ứng mong chờ của cử tri như: Thanh toán khám, chữa bệnh và hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, chuyển cơ sở khám, chữa bệnh theo yêu cầu chuyên môn...
Xu hướng hiện nay là phát triển hoạt động khám, chữa bệnh tại nhà của cơ sở y tế và chữa bệnh y học gia đình theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định BHYT chi trả đối với những trường hợp này.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, tỷ lệ tham gia BHYT của nước ta khá cao, trong đó Hà Nội chiếm 94,5%. Những năm gần đây, rất nhiều người dân sử dụng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, đặc biệt những người nghèo, bệnh ung thư, chạy thận... rất cần thẻ BHYT như “phao cứu sinh”.
Theo đại biểu, về phạm vi được hưởng của người tham gia theo dự thảo luật là phù hợp nhưng Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định các hình thức khám chữa bệnh từ xa, theo nguyên lý y học gia đình. Đại biểu đề nghị BHYT cũng phải được thanh toán cho việc khám chữa bệnh từ xa, theo nguyên lý y học gia đình. Đây là hình thức khám chữa bệnh mới, phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra theo đại biểu, dự thảo luật mới đề cập đến phạm vi hưởng BHYT trong lĩnh vực khám, chữa bệnh mà chưa quan tâm đến những lĩnh vực, dịch vụ khám sàng lọc, phát hiện sớm như dịch vụ dự phòng.
Việc sàng lọc phát hiện một số bệnh, đặc biệt là ung thư rất quan trọng. Đây là những bệnh nếu phát hiện sớm sẽ giảm chi phí điều trị, giảm ngân sách Nhà nước, giảm bệnh tật cho người dân nên BHYT cần chi trả.
Cùng quan tâm vấn đề, đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TPHCM) nhấn mạnh, việc tầm soát chuyên sâu là xu hướng tất yếu trong tương lai và BHYT nên tiến tới thanh toán chi phí cho việc tầm soát một số bệnh ung thư.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhìn nhận từ khi có Luật BHYT, bên cạnh những kết quả không thể phủ nhận trong công tác khám, chữa bệnh thì sau 15 năm đã có rất nhiều bất cập, cần sửa đổi. Đó là nguy cơ vỡ Quỹ BHYT nếu vận hành theo luật cũ.
Vấn đề chuyển tuyến đang bất cập dù đã có nhiều thay đổi, trong khi quyền và sự chủ động của người có thẻ BHYT chưa được hình thành rõ.
Đại biểu cho rằng, không nên coi việc khám, chữa bệnh theo tuyến bảo hiểm là biện pháp chống quá tải cho hệ thống y tế mà phải tổ chức lại hệ thống y tế để người dân được khám, chữa bệnh nhanh nhất, đầy đủ nhất, có thầy giỏi, thuốc tốt; bảo đảm công bằng, bình đẳng trong thụ hưởng BHYT.
Duy Anh
Báo Lao động và Xã hội số 130