Anh Bùi Hữu Công (xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết bắt đầu tham gia BHYT cho các thành viên trong gia đình từ năm 2017. Ngoài 2 con nhỏ đi học đang tham gia BHYT học sinh, gia đình anh có 4 người tham gia BHYT HGĐ, trong đó có bố, mẹ anh Công đều trên 70 tuổi nên được giảm trừ chi phí đóng hằng năm khá nhiều.
Nhờ tham gia BHYT, mới đây, khi phải phẫu thuật điều trị viêm ruột thừa, anh được hỗ trợ chi trả 80% viện phí. “Tôi thấy tham gia BHYT theo hình thức HGĐ thực sự có lợi, bởi được giảm mức đóng mà chế độ chi trả BHYT vẫn không khác gì so với các đối tượng khác…”, anh Công chia sẻ.
Cũng như gia đình anh Công, chị Nguyễn Thu Hiền (TP Vĩnh Yên) cho biết, gia đình chị (5 người gồm hai vợ chồng, hai đứa con và mẹ già 70 tuổi) cũng tham gia BHYT HGĐ từ năm 2018. Nhờ có BHYT, cả gia đình chị đều yên tâm, nhất là mỗi khi trong gia đình có người ốm đau, bệnh tật.
Từ năm 2014, Luật BHYT sửa đổi đã bổ sung quy định tham gia BHYT theo HGĐ. Theo đó, đối tượng tham gia BHYT HGĐ bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, trừ những thành viên đã có thẻ BHYT thuộc các nhóm đối tượng khác. Quy định này nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho tất cả thành viên trong gia đình, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đồng thời, khắc phục tình trạng nhiều gia đình chưa có ý thức mua BHYT cho toàn bộ thành viên để phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro với người khác mà chỉ chọn mua BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mãn tính.
Để khuyến khích người dân tham gia BHYT theo hình thức HGĐ, Nhà nước có quy định giảm dần số tiền đóng từ thành viên thứ 2 trong gia đình. Cụ thể: Người thứ 2, 3, 4 trở đi đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ 5 trở đi mức đóng bằng 40% của người thứ nhất.
Cùng với chế độ hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2015, tỉnh đã ban hành quy định hỗ trợ người có hộ khẩu thường trú tại Vĩnh Phúc khi tham gia BHYT HGĐ. Theo đó, người thứ nhất trong HGĐ được hỗ trợ 20% kinh phí; người cao tuổi trong HGĐ từ đủ 60 đến dưới 70 tuổi được hỗ trợ 30% kinh phí; từ đủ 70 đến dưới 80 tuổi được hỗ trợ 50% kinh phí...
Để nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, lợi ích thiết thực khi tham gia BHYT và các cơ chế hỗ trợ đối với người tham gia BHYT HGĐ, ngành BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các các cấp, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức; đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và hoạt động nghiệp vụ của ngành, tạo điều kiện thuận lợi tối đa và giải quyết nhanh chóng, kịp thời các chế độ, quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Hằng năm, trên cơ sở chỉ tiêu UBND tỉnh giao cho từng địa phương, BHXH các huyện, thành phố chủ động tham mưu UBND huyện, thành phố triển khai nhiều giải pháp phát triển BHYT HGĐ phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương; có các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt chỉ tiêu được giao.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, tỷ lệ người dân tham gia BHYT HGĐ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng qua các năm. Nếu như năm 2014, toàn tỉnh chỉ có hơn 52.000 người tham gia BHYT HGĐ (đạt 15% tổng số người dân thuộc đối tượng tham gia BHYT HGĐ) thì đến nay, đã tăng lên gần 265.500 người (đạt 84% tổng số người dân thuộc đối tượng tham gia BHYT HGĐ). Số lượng người tham gia BHYT HGĐ tăng nhanh đã góp phần quan trọng đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân của tỉnh, nâng tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh lên hơn 1,1 triệu người; đạt tỷ lệ hơn 93% dân số.
Với xu hướng giá viện phí ngày một tăng cao, nhờ tham gia BHYT, nhiều người dân đã có điều kiện được khám, chữa bệnh, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và đặc biệt là kinh tế gia đình vẫn ổn định khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc tham gia BHYT, có tư tưởng khi ốm mới mua BHYT; một số gia đình (nhất là khu vực nông thôn) khó khăn về kinh tế, thu nhập thấp nên không có điều kiện mua BHYT cùng lúc cho các thành viên trong gia đình dù đã được hỗ trợ. Nhân viên một số đại lý thu BHYT chưa am hiểu về chính sách BHYT HGĐ, chưa chủ động cung cấp dịch vụ đến người dân, chưa phát huy vai trò là một kênh thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT HGĐ…
Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu BHYT toàn dân, phấn đấu đến cuối năm 2021 có khoảng 95% dân số toàn tỉnh Vĩnh Phúc tham gia BHYT, ngành BHXH tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT HGĐ. Trong đó, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền; đẩy mạnh cải cách hành chính ngành BHXH; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT HGĐ. Đồng thời tiếp tục mở rộng các điểm thu, đại lý thu BHYT và tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhân viên đại lý thu. Đồng thời, phối hợp với ngành y tế tỉnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT nhằm tạo dựng niềm tin, thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia BHYT…