Thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo:
Đến nay, tổng nguồn kinh phí đầu tư cho 3 huyện nghèo Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão là hơn 4.088 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương gần 1.492 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 479 tỷ đồng, hỗ trợ của Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước hơn 85,3 tỷ đồng, nguồn kinh phí huy động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các doanh nghiệp địa phương gần 43,8 tỷ đồng, kinh phí lồng ghép gần 1.243 tỷ triệu đồng và nguồn vốn tín dụng ưu đãi gần 746 tỷ đồng.
Đối với chính sách tín dụng ưu đãi, qua 12 năm thực hiện vay vốn cho các đối tượng trên địa bàn 3 huyện nghèo có gần 90.000 lượt hộ vay vốn với doanh số cho vay trên 2.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2019, tổng dư nợ gần 746 tỷ đồng/15.173 hộ. Hộ nghèo, các đối tượng vay vốn đúng mục đích, sử dụng vốn hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của hộ, thu nhập của hộ tăng bình quân từ 15%-20% khi chưa có vay vốn.
Qua hơn 10 năm đã hỗ trợ nhà ở cho 3.632 hộ nghèo với kinh phí hơn 106 tỷ đồng. Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đã xóa nhà ở đơn sơ cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, góp phần rất lớn vào đảm bảo an sinh xã hội cho hộ nghèo và các đối tượng yếu thế nhất tại các vùng đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Các chính sách hỗ trợ sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập được tỉnh ưu tiên, chú trọng nhằm thực hiện đúng mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Chính sách hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất. Đã thực hiện giao khoán gần 61.000 ha cho 5.283 hộ dân và 29 tập thể, với kinh phí hơn 188 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng đã được các địa phương triển khai, người dân đã được hưởng lợi từ việc giao khoán.
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo triển khai có hiệu quả, hộ nghèo, cận nghèo tại các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn đã tiếp cận và thực hiện thành công các dự án, nhất là các dự án về bò sinh sản, bò vỗ béo, dự án trồng dâu... đã phát huy có hiệu quả, người dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tạo được việc làm, có thu nhập ổn định (dự án dâu tại xã An Hòa, huyện An Lão) từng bước thoát được nghèo, cận nghèo. Đây là những dự án cần phải phát huy, đẩy mạnh nhân rộng trong thời gian đến.
Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình giảm nghèo, đến nay đã xây dựng được 121 mô hình khuyến nông, lâm, ngư với kinh phí thực hiện 6 tỷ đồng. Đã có hàng trăm hộ nghèo tham gia trực tiếp vào mô hình, một số mô hình điển hình đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người nghèo. Các huyện nghèo đã tổ chức mở 243 lớp, đào tạo cho 6.417 người lao động nông thôn; đã bố trí tạo việc làm 75% lao động có việc làm sau đào tạo. Ước đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo huyện Vân Canh đạt 38%, huyện Vĩnh Thạnh đạt 41%, huyện An Lão đạt 35%.
Thu nhập, đời sống của người dân, hộ nghèo không ngừng tăng lên.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tuấn Thanh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, qua 12 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, nhìn chung cả 3 huyện nghèo Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão đã có nhiều cố gắng, đạt được một số mặt tích cực. Đó là, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm bình quân hằng năm từ 5% đến 7%, đến 2010, cơ bản không còn hộ dân ở nhà tạm, nhà ở dột nát. Đã thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển rừng, giao đất trồng rừng sản xuất nhằm tăng thu nhập cho hộ dân, cũng như gìn giữ và bảo vệ rừng, đến nay đã thực hiện giao khoán trên gần 61.000 ha, nâng độ che phủ rừng gần 75%, đạt và vượt kế hoạch đề ra; đã thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã giúp cho hộ nghèo, người dân địa phương tăng thu nhập và tạo lợi thế canh tranh trong sản xuất nông nghiệp. Qua các năm, thu nhập của người dân hộ nghèo không ngừng tăng. Đến hết năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2, năm 2015 tăng gấp 6 lần so với khi đề án được duyệt. Đến năm 2020, thu nhập bình quân của các huyện nghèo khoảng 30,5 triệu đồng/người/năm.
Các chính sách hỗ trợ về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: Đảm bảo 100% hộ nghèo, người dân sinh sống tại các vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đã tiếp cận đầy đủ thẻ BHYT, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 100%, 100% trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông con hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, 100% trẻ em học mẫu giáo thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiền ăn trưa. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng) còn 12,08%; tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh 99,4%.
Kết cấu hạ tầng tại các vùng nghèo, xã đặc biệt khó khăn cơ bản đảm bảo đáp ứng cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất: 26/26 (100%) xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, đã có 100% trường phổ thông và trung tâm học tập cộng đồng xã đủ đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân, 80% trường học mầm non có cơ sở vật chất đạt chuẩn nông thôn mới, 100% tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã và thông suốt 4 mùa, tỷ lệ người dân sử dụng điện sinh hoạt đạt 99,33%
Các chính sách về giáo dục-đào tạo, dạy nghề và nâng cao dân trí, chính sách cán bộ đối với huyện nghèo cũng được thực hiện có hiệu quả, đã 95% các hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các hình thức báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng/phó thôn được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về công tác giảm nghèo, truyền thông về giảm nghèo; đã bố trí, tăng cường cán bộ về làm công tác chuyên môn, giữ các chức danh Phó chủ tịch theo Đề án 500, Đề án 600 về hỗ trợ cho các xã của huyện nghèo nhằm thúc đẩy kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về giảm nghèo.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác giảm nghèo trong thời gian đến, UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương xem xét sớm ban hành tiêu chí đánh giá huyện nghèo để có các chính sách phù hợp cho huyện nghèo nhằm duy trì và phát triển kết quả đạt được của các huyện nghèo sau năm 2020. Xem xét, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù cho các địa bàn khó khăn, nhất là các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vì đây là lõi nghèo của địa phương.