Thực trạng về ATVSLĐ trong chuỗi cung ứng hàng hóa
Việt Nam đang là điểm đầu và có một số chuỗi cung ứng, như các mặt hàng: Điện, điện tử, dệt may, da giày, một số ngành chế biến khác. Chúng ta đang ở khâu sản xuất, lắp ráp, chế tạo một phần của chuỗi sản xuất đó và là điểm đầu của chuỗi cung ứng hàng nông sản.
Với chuỗi cung ứng hàng nông sản, ở khâu trồng trọt, sơ chế, chế biến, thậm chí ở nhiều khâu chưa kiểm soát hết các yếu tố về môi trường, điều kiện làm việc, gánh nặng nghề nghiêp.
Ở đó, nhiều người lao động (NLĐ) được xếp vào khu vực phi kết cấu, không có quan hệ lao động, hợp đồng lao động dẫn đến nhiều quyền lợi của họ, trong đó có quyền được đảm bảo an toàn theo Hiến pháp năm 2013 chưa đầy đủ.

Ngay trong các chuỗi cung ứng đang giữ vai trò là nơi lắp ráp, hoàn thiện với rất đông lao động như dệt may, da giày, điện tử thì ở đâu đó, ngay cả chuỗi cung ứng hàng công nghệ cao, mặt hàng mới phải dùng công nghệ mới, nguyên liệu mới... chúng ta chưa có được nghiên cứu, đánh giá về các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến NLĐ nên quyền lợi của họ chưa đảm bảo.
Rất nhiều bệnh nghề nghiệp mới phát sinh liên quan đến vật liệu mới, công nghệ mới nhưng chưa được nghiên cứu để kịp thời bổ sung là một ví dụ.
Hay những yếu tố nguy hiểm, có hại, chúng ta chưa đủ năng lực để phát hiện, đánh giá mức độ gây ra những tác động đến sức khoẻ. Nhiều lĩnh vực sản xuất điện tử phần mềm, gia công điện tử, gia công các sản phẩm dệt may, da giày, điều kiện làm việc, sự tập trung lao động đang gây ra căng thẳng tâm lý, ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần, quan hệ xã hội của NLĐ nhưng chưa có giải pháp để chăm sóc, bảo vệ NLĐ đầy đủ, toàn diện và hiệu quả.
Năm 2022, đơn vị thuộc Viện Khoa học ATVSLĐ đã tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá tình trạng sức khoẻ tâm thần của 200 nữ công nhân trong một ngành thâm dụng lao động. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, 28% người có biểu hiện stress nghề nghiệp có mức độ trung bình và 18,5% người có biểu hiện trầm cảm ở các mức độ khác nhau.
Trong đó, đáng lưu ý, 8,5% lao động có biểu hiện trầm cảm ở mức độ trung bình; 1,5% người có biểu hiện trầm cảm nặng. Trong số người có biểu hiện trầm cảm một số người có ý định gây tổn hại bản thân, nhiều người thường xuyên cảm thấy buồn chán.
Chủ động phòng ngừa giảm thiểu tai nạn lao động
Như vậy, với nguyên tắc lấy phòng ngừa làm ưu tiên trong phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), các chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ qua từng năm đều gắn với mục tiêu giảm thiểu rủi ro. Chủ đề Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 là "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" liên quan đến công tác ATVSLĐ trong chuỗi cung ứng.
Qua cách chọn chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ hằng năm, Chính phủ muốn gửi thông điệp đến Công đoàn, doanh nghiệp, người dân các vấn đề trọng tâm của công tác ATVSLĐ cũng như nội dung, giải pháp lớn triển khai hằng năm.
Đặc biệt, Tháng hành động về ATVSLĐ phải có vấn đề cụ thể, thiết thực như: Huấn luyện, tuyên truyền nâng cao nhận thức và phải có hành động cụ thể để nhận diện nguy cơ mất an toàn, đi kèm với đó là giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa, giảm thiểu được rủi ro và cải thiện điều kiện lao động liên tục.
Năm 2024, trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của một quốc gia tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)… và hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới;
TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ cho rằng, với những vấn đề về ATVSLĐ, sức khoẻ NLĐ cũng như vai trò của doanh nghiệp, NLĐ trong các chuỗi cung ứng hàng hoá mà chúng ta đã, đang và sẽ tham gia trong thời gian tới thì tổ chức Công đoàn ở các cấp cần phải xác định được những nội dung cụ thể về công tác ATVSLĐ, vấn đề sức khỏe, an toàn của NLĐ tương ứng với từng chuỗi cung ứng mà NLĐ đang gánh chịu, cũng như tác động của yếu tố điều kiện làm việc đến sức khỏe NLĐ…
Theo đó, ngay từ cấp cơ sở, công đoàn đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ thông qua thương lượng tập thể, đối thoại để yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đưa ra các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu nguy cơ rủi ro, hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Theo các chuyên gia, trong các biện pháp nhằm đảm bảo ATVSLĐ, công tác huấn luyện ATVSLĐ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, BNN. Đó chính là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhằm phòng ngừa và hạn chế TNLĐ, BNN xảy ra.
Văn Lý