Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý I và đang đàm phán đơn hàng cho quý II. Nhiều doanh nghiệp tổ chức tăng ca để kịp đáp ứng đơn hàng, phục vụ dịp lễ, tết cho đối tác nước ngoài.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho hay, Việt Thắng Jean đã nhận đơn hàng đến tháng 6. Còn với Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến, ông Phan Văn Kiệt, Phó tổng giám đốc thông tin, Việt Tiến đã có đơn hàng đến tháng 5.

Cho rằng thị trường dệt may năm nay có nhiều dấu hiệu tốt hơn và xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 45,5 - 46 tỷ USD, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế lý giải nguyên nhân do nền kinh tế các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU phục hồi, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện.
Ngoài ra, nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên đến 60% đối với hàng Trung Quốc và 10 - 20% đối với một số quốc gia khác thì Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn nếu tuân thủ tốt quy định về nguồn gốc xuất xứ, truy xuất chuỗi cung ứng…
Bên cạnh đó, tại một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định…, sản xuất công nghiệp cũng đang tăng tốc. Nhiều doanh nghiệp đã đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành khối lượng sản phẩm trước thời gian, giao hàng đúng hạn hợp đồng, đồng thời tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.
Tại tỉnh Quảng Ninh, Công ty Than Nam Mẫu với mục tiêu khai thác trên 2,4 triệu tấn than năm 2025 đang tập trung sản xuất, huy động tối đa nhân lực, máy móc, đẩy mạnh đào lò, khai thác than. Công ty siết chặt công tác an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc và chăm lo tết cho người lao động.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng giúp công ty chủ động ngay từ đầu năm mới, các vị trí, dây chuyền sản xuất được duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn, qua đó phấn đấu hoàn thành mục tiêu.
Với mục tiêu hoàn thành cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện năm 2025, Công ty Tuyển than Cửa Ông phấn đấu tiếp nhận và nhập khẩu than vùng Cẩm Phả là 13,8 triệu tấn; sản xuất, tiêu thụ 12,8 triệu tấn than.
Những ngày này, các tổ, đội, công trường duy trì hiệu quả nhịp độ sản xuất; tăng tốc tập trung sản xuất sản lượng than cao nhất có thể, đáp ứng tối đa các chủng loại than cho tiêu thụ, nhất là cho các nhà máy điện.
Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 8,4% so với năm trước; trong đó, sản xuất công nghiệp tăng nhanh trong quý II và III, có xu hướng tăng trưởng chậm hơn trong quý IV.
Nếu tận dụng tốt các lợi thế, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh hơn, bảo đảm các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế, Việt Nam có thể tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp.
Theo đó, nhóm ngành sản xuất điện, điện tử và linh kiện tiếp tục khởi sắc từ nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo triển vọng tăng trưởng cho năm 2025 và những năm tiếp theo. Doanh nghiệp dệt may, da giày đã có đơn hàng trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, nhóm ngành gỗ đã có sự hồi phục đáng kể, tiếp tục tăng trưởng cao.
Riêng đối với ngành sản xuất điện tử bán dẫn, những chính sách mới sẽ góp phần tạo sức hút FDI trong năm 2025 cũng như thu hút sự dịch chuyển luồng đầu tư từ các nước sang Việt Nam. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của quốc tế gần đây tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam.
Năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 9 - 10% so với năm 2024, theo đó cần tập trung giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp tạo lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn.
Đức Thọ
Báo Lao động và Xã hội số 8