Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Đẩy mạnh chia sẻ trên mạng thông tin quốc gia về an toàn vệ sinh lao động

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) vừa chủ trì phối hợp tổ chức Hội nghị thường niên Mạng thông tin quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024.

Chia sẻ một số kết quả nổi bật trong công tác ATVSLĐ, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, năm 2024, Cục đã tham mưu trình Bộ LĐ-TB&XH, trình Ban Bí thư, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật lớn trong công tác ATVSLĐ như: Chỉ thị 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ (thay thế Chỉ thị 29-CT/TW);

Nghị quyết số 209/NQ-CP ngày 28/10/2024 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW; Nghị định số 143/NĐ-CP ngày 1/11/2024 của Chính phủ quy định về bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ) theo hình thức tự nguyện đối với người lao động (NLĐ) làm việc không theo hợp đồng lao động.

Các hoạt động truyền thông, thông tin ATVSLĐ thường xuyên được đổi mới, tăng cường với nhiều hình thức, hoạt động truyền thông nhằm thúc đẩy Luật ATVSLĐ, các chủ trương, nghị quyết, nghị định, văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đi vào thực tiễn.

Đẩy mạnh chia sẻ trên mạng thông tin quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - 1
 Cục trưởng Cục An toàn lao động phát biểu tại hội nghị.

Công tác huấn luyện về ATVSLĐ được chú trọng, nâng cao chất lượng huấn luyện, đổi mới, cập nhật các tài liệu huấn luyện. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ, kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu nhóm 2 được quan tâm.

Công tác thanh tra, kiểm tra, pháp chế và báo cáo TNLĐ được tăng cường. Năm 2024, thực hiện thanh tra tại 61/62 đơn vị, doanh nghiệp (1 đơn vị tại thời điểm thanh tra đã dừng hoạt động) và đã hoàn thành 61/61 đơn vị, doanh nghiệp.

Kết quả thanh tra đưa ra 65 kiến nghị đề nghị đơn vị, doanh nghiệp thực hiện; xử phạt vi phạm hành chính 10 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Yên, Vĩnh Phúc.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng năm qua, công tác ATVSLĐ cũng còn tồn tại, hạn chế. Cả nước đã xảy ra nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu do thiếu tuân thủ quy trình làm việc an toàn; một số đơn vị, cơ sở, địa phương đầu tư chưa tương xứng cho công tác ATVSLĐ, nhận thức trong công tác giáo dục, tuyên truyền chưa sâu sát. 

Để tiếp tục phát huy vai trò kết nối, chia sẻ thông tin của Mạng thông tin quốc gia, ông Hà Tất Thắng đề nghị, những năm tới các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin cần tập trung vào một số nội dung: Tổ chức triển khai Nghị quyết 209/NQ-CP ngày 28/10/2024 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW;

Tích cực tham gia góp ý, xây dựng các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình công tác năm 2025 của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH như sửa đổi Nghị định số 39/2016/NĐ-CP, Nghị định số 44/2016/NĐ-CP, Nghị định số 58/2020/NĐ-CP…

Đổi mới, nâng cao chất lượng trong công tác huấn luyện gồm tài liệu huấn luyện, nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy, chương trình huấn luyện cần sát với thực tiễn; chú trọng đào tạo, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ, kỹ năng đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong một số ngành, lĩnh vực để xảy ra nhiều TNLĐ, các tổ chức cung cấp dịch vụ huấn luyện, kiểm định kỹ thuật về ATVSLĐ.

Bên cạnh đó, các cơ quan thành viên Mạng thông tin cần chủ động và tăng cường hơn nữa trong việc kết nối, chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ thông tin tới doanh nghiệp, cơ sở; mở rộng các chia sẻ, sáng kiến của doanh nghiệp cơ sở qua nhiều hình thức cả trực tiếp tại nơi làm việc và trên các nền tảng mạng xã hội zalo, face book...

Văn Lý

Báo Lao động và Xã hội số 145