Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bãi đỗ xe thiếu: Nan giải "cuộc chiến" giành chỗ đỗ xe

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Bãi đỗ xe chỉ đáp ứng 8 - 10% tổng số phương tiện, áp lực giao thông tĩnh đang từng giờ, từng phút đè nặng lên hạ tầng giao thông của TP Hà Nội.

“Cuộc chiến” giành chỗ để xe      

Tích cóp nhiều năm, cuối cùng gia đình anh Nguyễn Văn Bách cũng mua được căn nhà chung cư thuộc dự án chung cư Kim Văn - Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) nhưng niềm vui sở hữu ngôi nhà mới đã không trọn vẹn khi gia đình anh sắm thêm được chiếc xe 4 bánh để đi làm đỡ nắng mưa thì lại phải đối mặt với “cuộc chiến” giành chỗ để xe. 

do-xe-2.jpg
Vỉa hè, lòng đường trở thành bãi đỗ xe bất đắc dĩ của người dân.

 “Đỗ ô tô tại đây như một cuộc chiến bởi chỉ cần về muộn hơn bình thường là sẽ chẳng còn chỗ. Do vậy, tôi phải gửi ở bãi xe cách nhà hơn nửa cây số. Nhiều khi đi bộ thấy bất tiện, tôi đỗ tạm tại các ngõ quanh khu chung cư nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân sống quanh khu vực. Biết là sai nhưng bí quá không có cách nào đành phải làm vậy”, anh Bách chia sẻ.

Bỏ ra gần 4 tỷ đồng để được sở hữu căn hộ chung cư cao cấp tại đường Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân, nhưng khi chuyển đến ở chị Nguyễn Lan Anh rất bức xúc vì đã 3 năm nay, chị phải gửi xe ở bãi ngoài chung cư, do không được sử dụng các tiện ích như đã thống nhất trước đó với phía chủ đầu tư dự án.

Cụ thể, phía chủ đầu tư dự án quảng cáo căn hộ chị mua với giá thuộc phân khúc hạng sang và kèm theo gói dịch vụ 5 sao, trong đó gồm có bãi đỗ xe thông minh. Tuy nhiên, kể từ ngày chuyển về ở gia đình chị chưa một lần được sử dụng bãi đỗ xe này.

Tương tự tình cảnh chị Hạnh, khi quyết định mua nhà chung cư 4 năm trước, chị Hoa, cư dân của một chung cư cao cấp tại quận Nam Từ Liêm ở phía Tây Thủ đô lầm tưởng mỗi căn hộ có một suất để xe ô tô dưới hầm. Thế nhưng, khi nhận nhà, chị mới biết mỗi tòa nhà chỉ có một hầm cho xe máy, xe đạp và một vài chỗ đỗ ô tô.

Đa phần ô tô của cư dân được gửi ở nhà nổi cách chung cư 1 - 3km, có hỗ trợ xe trung chuyển. Nhưng vì về ở sau, gia đình chị không còn suất gửi xe ở nhà nổi, việc thuê lại chỗ đỗ của các hộ không có xe cũng rất khó, chị đành chấp nhận đỗ xe trên vỉa hè.

Trước đó, năm 2022, cư dân chung cư Anland Lakeview (khu đô thị mới Dương Nội, phường Dương Nội, quận Hà Đông) từng xuống đường căng băng rôn đề nghị chủ đầu tư, Tập đoàn Nam Cường bổ sung bãi đỗ xe. 

Theo số liệu thống kê, địa bàn Thủ đô có trên 7,86 triệu phương tiện giao thông các loại, trong đó hơn 1 triệu xe ô tô; hơn 6,6 triệu xe máy, mô tô các loại; hơn 184.000 xe máy điện. Mỗi năm lại tăng thêm khoảng 390.000 phương tiện, mỗi tháng tăng khoảng 32.700 phương tiện và mỗi ngày tăng khoảng 1.100 phương tiện giao thông các loại. 

Để đáp ứng sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông cá nhân, theo quy hoạch, tổng diện tích đất dành cho giao thông tĩnh tại TP Hà Nội phải đạt ít nhất 4% diện tích đất đô thị.

Tuy nhiên, diện tích dành cho giao thông tĩnh của thành phố mới chỉ đạt 0,6% nên đang thiếu trầm trọng điểm đỗ ô tô. Diện tích này chỉ đáp ứng từ 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có, còn lại 90% lượng xe đang đỗ tại bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, những khu vực công cộng như lòng đường, vỉa hè, bãi xe trong bệnh viện, trường học, công viên, trung tâm thương mại, khu chung cư, trụ sở cơ quan, đơn vị và nhà dân…

Cần cơ chế đặc thù

Nhằm đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân, cuối năm 2018, tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo quy hoạch, đến năm 2025, Hà Nội ưu tiên đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ở 122 vị trí với quy mô diện tích khoảng 168ha. Giai đoạn 2025 - 2030, xây dựng bãi đỗ xe ở 115 vị trí với quy mô diện tích khoảng 58ha. Tuy nhiên, Hà Nội có 47 bãi đỗ xe đang khai thác sử dụng với diện tích hơn 44ha, mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của người dân khu vực nội thành. 

Trong tình thế khó khăn, Sở GTVT Hà Nội đã cấp phép trông giữ cho hơn 200 điểm giữ xe được phép sử dụng lòng đường làm nơi đỗ tạm thời. Việc thiếu bãi đỗ xe dẫn tới tràn lan những điểm trông giữ xe tự phát, gây mất trật tự, mỹ quan đô thị. 

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến đầu tư, xây dựng có nhiều thay đổi, dẫn đến kéo dài thời gian lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư.

Hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án bãi đỗ xe gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt kinh phí đầu tư các dự án bãi đỗ xe ngầm và tự động cao tầng rất lớn, dẫn đến kéo dài thời gian thu hồi vốn.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thu hút nhà đầu tư tham gia xây dựng bãi đỗ xe, mới đây UBND TP Hà Nội đã trình và được HĐND TP thông qua một số chính sách, như: Hỗ trợ 100% tiền thuê đất bãi đỗ xe trong 10 năm đầu; hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu thiết bị, dây chuyền công nghệ phục vụ trực tiếp cho dự án xây dựng bãi đỗ xe; nhà đầu tư được sử dụng tối đa 30% diện tích sàn xây dựng ngầm của dự án để khai thác thương mại...

Để kéo nhà đầu tư vào lĩnh vực này, Sở GTVT cho biết, đã nghiên cứu, ban hành một số chính sách như: Cho phép nhà đầu tư bán một số suất chỗ gửi xe sau khi đầu tư xong nhưng sẽ không cho phép khai thác các bãi trông giữ xe tạm thời trong bán kính 500m và xây dựng cơ chế riêng về giá trông giữ xe tại các bãi đỗ được xã hội hóa, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn vốn có thể yên tâm đầu tư vào xây dựng các bãi trông giữ xe.

Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, muốn hấp dẫn nhà đầu tư, kêu gọi vốn cho các dự án giao thông tĩnh, thành phố cần coi nó như công trình dịch vụ thương mại. Bởi nếu chỉ là kết cấu hạ tầng giao thông sẽ khó sinh lời, chậm thu hồi vốn, hầu như không có doanh nghiệp nào mặn mà tiếp cận.

Thành phố nên phân chia các dự án giao thông tĩnh thành 2 loại: Loại 1 do ngân sách đầu tư, đấu thầu quyền khai thác; loại 2 sử dụng vốn xã hội hóa, cho phép vận dụng giá phí linh hoạt. Như vậy mới có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng bãi đỗ xe trong thành phố.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, thực trạng áp lực về giao thông tĩnh vừa qua cho thấy bất cập từ việc chưa kiểm soát được gia tăng dân số và phương tiện cá nhân.

Muốn giải bài toán giao thông tĩnh cần chú trọng đến phát triển không gian ngầm, có những cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên trong áp dụng công nghệ mới, tạo thuận lợi để giải quyết điểm nghẽn về các dự án giao thông tĩnh, nhất là bãi đỗ xe ngầm tại Hà Nội.

“Muốn phát triển bền vững, mỗi đô thị, nhất là đô thị lớn cần phải xác định khâu đột phá là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng với trọng tâm là hệ thống giao thông. Chỉ như vậy mới từng bước giải quyết được áp lực về giao thông”, tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh. 

Châu Anh

Báo Lao động Xã hội số 70

Tin liên quan