Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bước tiến thần tốc của hệ thống hạ tầng giao thông khu vực phía Nam

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Chưa bao giờ những vùng đất phía Nam Tổ quốc lại được chứng kiến những bước tiến thần tốc của hệ thống hạ tầng, đặc biệt là các tuyến cao tốc, như năm vừa qua.

Nếu có dịp đi một vòng qua miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, hẳn mọi người sẽ rất vui mừng khi thấy không khí nhộn nhịp, khẩn trương để đưa các dự án giao thông kịp ngày về đích…

Sức sống mới từ những con đường

Bước tiến thần tốc của hệ thống hạ tầng giao thông khu vực phía Nam - 1

Là vùng kinh tế động lực có vai trò cực kỳ quan trọng, nhưng từ nhiều năm nay, các tỉnh, thành phía Nam nói chung, khu vực Đông Nam bộ, bao gồm cả TPHCM nói riêng, luôn phải đối mặt với tình trạng hệ thống giao thông xuống cấp và thiếu thốn, thường xuyên bị quá tải, ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng.

Vì thế, việc phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại không chỉ là nhu cầu, mà còn là mệnh lệnh, vì sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Và trong thời gian gần đây, đặc biệt là năm 2024, diện mạo hạ tầng giao thông ở khu vực miền Nam đã thay đổi quá nhiều. Hàng loạt chặng cao tốc thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.  

Trong đó, cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, có chiều dài hơn 83km, dài thứ 2 trong 12 dự án thành phần giai đoạn 2021 - 2025 (chỉ sau dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn), là dự án có tốc độ thi công nhanh nhất.

Được khởi công đồng thời với 11 cao tốc thành phần vào ngày 1/1/2023, đến nay đã cơ bản hoàn thành và sẽ đưa vào sử dụng trong một ngày không xa.

Sự ra đời của 3 tuyến đường bộ cao tốc xuyên qua Bình Thuận là Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã  gỡ được nút thắt suốt mấy chục năm qua, thời gian di chuyển từ TPHCM đến Phan Thiết thay vì phải mất 5 - 6 tiếng, nay chỉ còn 3 - 4 tiếng.

Nhờ đó, lần đầu tiên Bình Thuận đón 8,35 triệu lượt khách, tổng doanh thu trên 22.300 tỷ đồng; GRDP du lịch đạt 9.750 tỷ đồng, chiếm 9,11% GRDP cả tỉnh và là một trong 10 tỉnh, thành có doanh thu du lịch cao nhất cả nước. 

Bình Thuận đang khẩn trương hoàn thiện dự án sân bay Phan Thiết, mở ra cơ hội tiếp theo để tỉnh "mở cửa bầu trời" gọi mời du khách và đón các nhà đầu tư; đồng thời tỉnh cũng đang hoàn thành các tuyến đường ven biển như Hàm Kiệm - Tiến Thành kết nối vào cao tốc; đường 719B đi Kê Gà - La Gi và sắp tới là đường ven biển Phan Thiết.

Bước tiến thần tốc của hệ thống hạ tầng giao thông khu vực phía Nam - 2
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã tạo bước đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội  khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành năm 2022 đã tạo bước đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn vùng phát triển đồng bộ.

Đồng thời cũng đóng vai trò động lực để tiếp tục phát triển thêm các tuyến cao tốc khác như: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Rạch Giá - Lộ Tẻ, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, kéo dài cao tốc Bắc - Nam từ Cần Thơ về điểm địa đầu cực Nam Tổ quốc tại Năm Căn (Cà Mau)…

Trong khi đó, dự án vành đai 3 TPHCM cũng tiếp tục được triển khai với tốc độ vô cùng khẩn trương. Hầu hết hạng mục quan trọng như các nút giao với cao tốc Long Thành - Dầu Giây và nút giao Tân Vạn đang được thi công với sự gấp rút hiếm thấy, công nhân làm việc suốt ngày đêm không có ngày nghỉ, kể cả lễ, tết.

Nhiều đoạn cầu cạn đã lắp đặt dầm bê tông; cầu Nhơn Trạch đang lắp đặt các nhịp để nối liền đôi bờ sông Đồng Nai trong một ngày không xa. Hình hài của “con đường mơ ước” này đang dần hiện rõ qua từng ngày và việc dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch là rất khả thi…

Những giấc mơ dần được hiện thực hóa 

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án  xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng BOT. Dự án được đầu tư với tổng chiều dài 51km, điểm đầu kết nối với đường vành đai 3 TPHCM thuộc huyện Củ Chi, điểm cuối giao với quốc lộ 22 (khoảng Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Bước tiến thần tốc của hệ thống hạ tầng giao thông khu vực phía Nam - 3
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã giúp thời gian di chuyển từ TPHCM đến Phan Thiết thay vì  5 - 6 tiếng, nay chỉ còn 3 - 4 tiếng.

Dự án được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc 120km/h. Giai đoạn phân kỳ, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe. Khi hoàn thành dự án sẽ góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa TPHCM với Tây Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đầu tàu kinh tế phía Nam.

Tuyến cao tốc nối TPHCM với Bình Phước và dự kiến kéo dài tới Gia Nghĩa (Đắk Nông) hứa hẹn sẽ “phủ” cao tốc lên vùng Tây Nguyên. “Giấc mơ đổi đời” của đồng bào các dân tộc có cơ hội được hiện thực hóa. Cùng với đó, tuyến cao tốc Tân Phú - Liên Khương cũng đang khẩn trương xúc tiến các bước quan trọng để có thể sớm khởi công.

Không chỉ có giao thông đường bộ với các tuyến cao tốc, mà các hệ thống đường sắt và hàng không ở khu vực phía Nam cũng đứng trước những cơ hội phát triển mang tính đột phá.

Trong đó, phải kể đến dự án sân bay Long Thành - “siêu dự án” mà mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo với thái độ kiên quyết “dứt khoát không được chậm tiến độ”. Có nghĩa, cho dù khó khăn đến mấy thì dự án này cũng phải hoàn thành trong khoảng 1 năm nữa.

Mặc dù khối lượng công việc vẫn còn khá lớn, nhưng với sự đốc thúc của Chính phủ cũng như nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu, dự án đang được triển khai theo đúng tiến độ, đặc biệt là các hạng mục quan trọng. 

Cùng với đó, hệ thống giao thông kết nối sân bay Long Thành với các địa phương, đặc biệt là với TPHCM, mới đây đã đạt được những bước tiến quan trọng, khi các đơn vị hữu quan đã dần hoàn tất các thủ tục để có thể hình thành các dự án đường bộ và đường sắt.

Nổi bật nhất là những chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc tài chính cho đơn vị chủ đầu tư dự án mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành để việc thi công sớm được triển khai và công bố quy hoạch dự án đường sắt Long Thành - Thủ Thiêm tốc độ 120km/h, với dự kiến khởi công sau 2 năm nữa, hoàn thành vào khoảng năm 2035.     

Cũng trong những ngày cuối năm 2024, UBND TPHCM đã gửi HĐND TP tờ trình Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM, với mục tiêu đến năm 2035, thành phố sẽ hoàn thành thêm 355km của 7 tuyến.

Giai đoạn 10 năm sau đó, mạng lưới này sẽ được đầu tư thêm 155km, nâng tổng chiều dài metro lên 510km. Với mục tiêu này, trong 20 năm tới, mạng lưới đường sắt đô thị của TPHCM sẽ tăng gấp 25 lần chiều dài metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau hơn 10 năm khởi công.

Các tuyến metro sắp tới được định hướng tăng chiều dài đi ngầm để giảm chi phí đền bù, đẩy nhanh thi công và khai thác hiệu quả không gian ngầm, kết hợp chỉnh trang đô thị.

Tổng nhu cầu vốn cho từng giai đoạn trên lần lượt khoảng 40 tỷ USD và gần 27 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu, trong đề án kiến nghị 43 cơ chế đặc biệt thuộc 6 nhóm chính theo hướng để TPHCM chủ động hơn triển khai các dự án.

Các nhóm cơ chế chính gồm: Quy hoạch; chính sách huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục, thẩm quyền triển khai; giải phóng mặt bằng; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; quản lý, khai thác... 

Với phương án nguồn vốn, đề án xác định đầu tư công là chủ đạo với kế hoạch dự kiến huy động từ nhiều nguồn, như tăng thu ngân sách trung ương, thành phố được giữ lại; phát triển TOD; phát hành trái phiếu địa phương... và đồng thời tiếp tục nghiên cứu, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án metro trong quá trình triển khai.

Khi các dự án nói trên hoàn thành, hầu hết các tỉnh, thành ở khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ sẽ đều có các tuyến cao tốc đi qua, tạo nên sự kết nối liên vùng.

Đồng thời hệ thống giao thông ở các đầu mối quan trọng cũng như các đô thị lớn sẽ được hiện đại hóa một cách cơ bản, không chỉ mang lại những yếu tố tích cực về giao thông mà còn thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của toàn vùng, mở ra khung trời mới đầy hứa hẹn…

Khánh Nguyễn

Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ

Tin liên quan
TPHCM: "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ"

TPHCM: "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ"

(LĐXH) - “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” - dù bài hát không có câu, chữ nhắc đến địa danh cụ thể nhưng ai cũng biết đó là TPHCM. Đó là một trong...