Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cần luật hóa công tác phổ biến phim trên không gian mạng

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Vai trò của quản lý nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng đang trở nên cấp thiết trước “cơn bão” xâm lấn văn hóa bằng con đường phim ảnh. Đây là nội dung được đưa ra tại Hội thảo "Công tác quản lý phim trên không gian mạng" ngày 16/7, tại Hà Nội tìm giải pháp khắc phục góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng.

Theo TS Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, sự thay đổi về thói quen và phương thức xem phim của khán giả, các đơn vị, doanh nghiệp phát hành phim trong và nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển các ứng dụng phổ biến phim trên không gian mạng như: VTVgo, FPT Play, Galaxy Play, DA.NET, Apple TV, Disney Plus, WeTV…

Đặc biệt, năm 2017, Netflix có mặt tại thị trường Việt Nam tạo ra bước thay đổi đáng kể trong hoạt động phổ biến phim trên mạng.

phim15-2-2023_20230215113454.jpg
Tăng cường rà soát, xử lý việc phổ biến phim trên không gian mạng có nội dung sai phạm. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ phát triển, hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng đặt ra cho công tác quản lý nhà nước những khó khăn, bất cập nhất định. Vấn đề đặt ra không chỉ là việc kiểm soát nội dung các bộ phim có phù hợp với chính sách của một nhà nước hay không mà còn liên quan trực tiếp đến các khía cạnh như việc thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ; chi phí và các mức thuế mà người xem phải chi trả cho việc xem các bộ phim được phát trên các trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài…

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước nhiều khi rơi vào trạng thái chưa chủ động do những thay đổi khách quan về công nghệ, phương thức phổ biến... trong khi đó các văn bản quy phạm pháp luật vẫn cần tiếp tục hoàn thiện theo sự phát triển của xã hội và những thay đổi như vũ bão về công nghệ...

Trước thực trạng đó, chúng tôi mong muốn thông qua hội thảo, các đại biểu, chuyên gia phân tích, tìm ra những vướng mắc, hạn chế, từ đó đề ra giải pháp khắc phục góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam", TS Đỗ Quốc Việt nói.

Luật Điện ảnh quy định về việc phát hành, phổ biến phim trên các nền tảng mạng. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy đã có những cài cắm tinh vi về chủ quyền, những tranh chấp trên đất liền, biển đảo… được lồng ghép trong những câu chuyện, hành động, lời thoại của nhân vật.

Ví như bộ phim “Nhất sinh nhất thế” (Một đời, một kiếp) phát trên nền tảng IQiYi Việt Nam; “Hướng gió mà đi” phát trên Netflix và fptplay.vn… có lồng ghép đường lưỡi bò (đường chín đoạn) trong một số chi tiết, phân cảnh phim… đã bị cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ hoặc cấm chiếu.

“Những "xâm lấn" bằng con đường phim ảnh, văn hóa đang đe dọa trực tiếp đến nhận thức của công chúng. Khi xem quá nhiều những bộ phim như vậy công chúng vô tình bị định hướng, dẫn dắt theo tư tưởng sai lạc dẫn đến nhận thức, hiểu biết sai về chủ quyền lãnh thổ, về dân chủ, dân quyền trong đời sống xã hội, tôn giáo", Phó tổng biên tập tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ VH-TT&DL) Ngô Minh Nguyệt cho biết.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Điều phối, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT) Phan Thu Hồng cho biết, tình trạng phim mạng độc hại được công chiếu công khai thời gian qua vẫn diễn ra phức tạp, bất cập nằm ở chỗ những đơn vị cung cấp dịch vụ xem phim trên mạng có thu phí tại Việt Nam nhưng không chịu sự quản lý, không có tư cách pháp nhân ở nước ta, dẫn đến tình trạng nhiều lần vi phạm.

Hình thức xử lý mới dừng ở việc yêu cầu gỡ bỏ nên dường như các nhà phổ biến phim "nhờn" luật. Công tác tiền kiểm chưa chặt chẽ, triệt để dẫn tới một số phim độc hại "lọt lưới" trên không gian mạng. Bên cạnh đó, trước khi bị yêu cầu gỡ bỏ thì những bộ phim này đã được nhiều khán giả, nhất là giới trẻ đón xem, thậm chí lưu trữ về máy tính, điện thoại cá nhân.

Theo bà Phan Thu Hồng, cần phải tăng cường thẩm định, rà soát, xử lý đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng có nội dung sai phạm, bôi nhọ, xúc phạm đời tư cá nhân, tổ chức, công dân, kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và phát tán sản phẩm văn hóa, phim ảnh đồi trụy; cương quyết chuyển cơ quan điều tra truy tố, xét xử đối với hành vi có dấu hiệu tội phạm đảm bảo tính nghiêm minh… 

Vũ Hà

Báo Lao động và Xã hội số 86