Cái ác hiện hình và bước ra từ... bàn phím

Phủ kín thời gian của đứa trẻ bằng máy tính bảng, điện thoại thông minh, tai nghe nhạc và vô số ứng dụng công nghệ... người lớn đã sai lầm khi tin rằng trẻ em chẳng còn có lý do để buồn chán. Tuy nhiên, cha mẹ khỏa lấp việc thiếu thời gian và năng lượng để vui chơi với con trẻ bằng cách này có nghĩa đang tước dần năng lực tự giải trí, tự tìm kiếm giải pháp để tái tạo cảm hứng ở trẻ. Rồi vô hình trung, trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào các thiết bị điện tử, thế giới ảo để thoát khỏi sự buồn chán và hệ lụy là điều không thể tránh.
Nhiều người hẳn chưa thể quên những cái chết xảy ra từ việc bắt chước thế giới ảo. Mạng ảo, cái chết thật là nỗi ám ảnh khôn nguôi bởi cái ác hiện hình và bước ra từ bàn phím… Cái chết của Đ., bé trai 5 tuổi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Thủ phạm H., nam sinh lớp 11 được nạn nhân tin tưởng và chính cậu bé đã xin mẹ cho sang nhà anh hàng xóm chơi. H. khai nhận đã đưa bé Đ. vào rừng giấu đi theo trò chơi điện tử, sau đó làm "người hùng" đi giải cứu. Tuy nhiên, khi thấy gia đình, cơ quan chức năng đi tìm, H. lo sợ nên không đưa bé Đ. về nữa, dẫn đến sự việc đau lòng. Đây là lúc con nghiện thế giới ảo phải đối diện với thực tại và không biết xử lý thế nào.
Hay vụ nam sinh ở Cần Thơ nghiện chơi game và nhận được mệnh lệnh “ảo” từ chủ nhóm game: Phải giết 10 người nếu muốn tham gia nhóm. Nam sinh đinh ninh đó là mệnh lệnh thật nên sau khi thoát game và quay về xóm trọ đã bắt đầu lập kịch bản giết người hàng loạt.
Những vụ việc trên là phần nổi trong tảng băng chìm của bi kịch về những đứa trẻ thiếu kiến thức sử dụng internet an toàn.
Liên minh gia đình - nhà trường - xã hội cần quyết liệt vào cuộc
Để tránh những hệ lụy đau lòng xuất phát từ việc sử dụng mạng xã hội thiếu ý thức và yếu kỹ năng của trẻ, gia đình - nhà trường - xã hội phải quyết liệt vào cuộc. PGS, TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, việc cho trẻ tự do không có người lớn kiểm soát trong thế giới ảo là vô cùng nguy hại, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm sinh lý cũng như sự phát triển nhân cách của trẻ. Ngay cả một số người lớn vẫn còn hổng trong kỹ năng sử dụng công nghệ, nghiện mạng xã hội, mê game online, thích sống ảo và sa bẫy tin giả. Vậy thì rất khó có thể tạo ra "tấm lưới an toàn" để bảo vệ trẻ một cách toàn diện và hiệu quả. Cùng với đó, các cạm bẫy và rủi ro trong thế giới ảo nhiều vô kể, trong khi các phần mềm kiểm soát, lọc tin giả, chặn video phản cảm, bạo lực… vẫn chưa được hoàn thiện để trở thành chiếc áo giáp vững chắc bảo vệ trẻ.
Trước thực trạng này, mới đây, một số trường học của TPHCM đã cấm học sinh dùng điện thoại di động trong suốt 8 tiết học trong trường, kể cả giờ ra chơi để học sinh tập trung học tập, kết nối nhiều hơn với thầy cô, bạn bè. Theo PGS, TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc cấm trẻ sử dụng điện thoại di động và truy cập mạng xã hội phải tùy thuộc vào lứa tuổi và không nên cực đoan. Điều này có thể gây phản ứng ngược từ trẻ. Vì vậy, để tránh những hệ lụy đau lòng xuất phát từ việc sử dụng mạng xã hội thiếu ý thức và yếu kỹ năng, thay vì cấm đoán các em sử dụng thiết bị thông minh truy cập internet, gia đình - nhà trường - xã hội cần phải quyết liệt vào cuộc.
Trong đó trách nhiệm "gạn đục khơi trong", nhà cung cấp dịch vụ phải lưu tâm hơn và cơ quan quản lý mạnh tay hơn; cần chế tài nặng đối với các sản phẩm "rác" để thanh lọc cho môi trường mạng. Nhà trường cần thường xuyên tổ chức các chuyên đề tập huấn kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả. Gia đình quan tâm hơn đến "bước chân số" của trẻ trên mạng để kịp thời uốn nắn những lệch lạc, điều chỉnh hành vi. Sự đồng lòng tham gia của các bên liên quan sẽ giúp kiểm soát, ngăn chặn thông tin xấu độc, thanh lọc môi trường mạng trong sạch, lành mạnh cũng như bảo vệ trẻ trước những nguy cơ từ không gian ảo.
Đức Thọ
Báo Lao động và Xã hội số 114