Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Cần Thơ đã triển khai thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo, chính sách đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, giới thiệu việc làm cho các hộ nghèo, cận nghèo. Từ năm 2016 đến tháng 6/2020, TP Cần Thơ có hơn 13.800 hộ thoát nghèo, kéo giảm số hộ nghèo của toàn TP xuống còn hơn 2.000 hộ, chiếm tỉ lệ 0,66%. Cần Thơ đặt mục tiêu, đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm còn 0,16%.
Bằng các chương trình, phương pháp cụ thể như: Hỗ trợ các hộ nghèo về vốn từ nguồn tín dụng ưu đãi; hướng dẫn kỹ thuật nuôi, trồng, xây dựng các mô hình hợp tác… các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ cũng đã chủ động đổi mới phương thức thực hiện chính sách giảm nghèo, trong đó lấy hộ nghèo làm trung tâm. Bên cạnh đó, TP cũng chú trọng lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến công; phát triển hình thức dạy nghề lưu động đến các ấp, khu vực, tạo điều kiện để người có khó khăn về tài chính, thể chất, gia cảnh được học nghề và tự tạo việc làm. Từ nguồn kinh phí Đề án Đào tạo nghề, khuyến khích các doanh nghiệp mở các lớp nghề hay cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở tại doanh nghiệp; thí điểm mô hình doanh nghiệp tổ chức dạy nghề và nhận người nghèo, người khuyết tật vào làm việc…
Cùng với đó, Cần Thơ đã kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác xóa đói giảm nghèo như: Hướng dẫn thực hiện cho các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong 6 tháng đầu năm 2020, thành phố vận động xây dựng 241 căn nhà Ðại đoàn kết; cấp 42.131 thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo; phát vay 389,858 tỉ đồng vốn ưu đãi hỗ trợ 3.999 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; hỗ trợ chi phí học tập cho 4.107 học sinh, sinh viên nghèo....
Theo sở LĐ-TB&XH Cần Thơ, với những chính sách trợ giúp chung theo quy định và các chính sách hỗ trợ đặc thù của TP được triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả, đã giúp cho hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm bớt thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, thu nhập được nâng cao, mức sống được cải thiện, vượt qua chuẩn nghèo về thu nhập.
Đồng thời, nhiều dự án, mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như chương trình 30a, 134, 135... được triển khai nhân rộng và đạt kết quả cao. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý chí, sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo làm ăn, ổn định cuộc sống nâng cao thu nhập. Qua thống kê từ các địa phương trên địa bàn TP, hiện có nhiều mô hình thoát nghèo đang mang lại hiệu quả cao và được nhân rộng như: Mô hình nuôi bò, nuôi lợn; đan lục bình, dệt chiếu tại huyện Cờ Đỏ. Ngoài ra, còn có dự án nuôi bò, sản xuất lúa chất lượng cao (tại huyện Vĩnh Thạnh), trồng chanh không hạt, trồng sầu riêng, trồng dâu, đan sọt trồng hoa kiểng (huyện Phong Điền). Nuôi trăn, trồng thanh long (huyện Thới Lai). Trồng chuối cấy mô, trồng nấm rơm, đan dây nhựa, may gia công, trồng cam xoàn, trồng mè (quận Ô Môn). Đan lục bình, trồng rau xanh an toàn (quận Thốt Nốt). Dệt chiếu, trồng mít (quận Cái Răng). Trồng hoa kiểng (quận Bình Thủy). Câu lạc bộ làm bánh dân gian (quận Ninh Kiều)…
Thời gian qua, huyện Thới Lai thực hiện linh hoạt các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo. Ðối với hộ không đất sản xuất, chính quyền, đoàn thể địa phương vận động học nghề, giới thiệu việc làm; với hộ có đất, tư liệu sản xuất, chăm chỉ làm ăn nhưng gia cảnh khó khăn, được hỗ trợ vốn sản xuất hay đầu tư cây, con giống, kết hợp tập huấn kỹ thuật, giới thiệu vay vốn ưu đãi, vận động tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết bao tiêu nông phẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2020, huyện Thới Lai xây dựng 67 căn nhà cho hộ nghèo, số tiền 2,61 tỉ đồng; phát vay 18,45 tỉ đồng vốn ưu đãi, hỗ trợ 482 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo sản xuất, mua bán nhỏ; cấp 7.572 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, cận nghèo, số tiền trên 2,833 tỉ đồng. Cuối năm 2020, huyện Thới Lai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,64% còn 0,39%; hộ cận nghèo từ 6,66% còn 4,66%.
Có thể thấy, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân và khai thác hiệu quả nguồn lực nội tại của địa phương trong phát triển kinh tế xã hội.