Để xu hướng trở thành thói quen, việc “xanh hóa” cần được quy định trong luật một cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn.
Công trình chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế

Nước ta đang trong thời kỳ đô thị hóa nhanh với gần 40% dân số sống ở đô thị. Đô thị Việt Nam đã và đang đóng góp tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế quốc dân. Theo đó, kiến trúc đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và bản sắc.
Đây là thành tựu rất đáng tự hào. Song Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu ngày càng khốc liệt, phức tạp hơn như: Lũ lụt, nước biển dâng, sóng thần, động đất, sạt lở, xói mòn đất…
Theo TS, KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), nước ta hiện mới có 500 công trình xanh, quá ít so với số lượng đô thị và yêu cầu bảo vệ môi trường sống trong thực tế.
Cũng theo bà Lê Thị Bích Thuận, nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm phát triển công trình xanh.
Thứ nhất là do doanh nghiệp, nhà xây dựng chưa quan tâm đầu tư xây dựng công trình xanh.
Thứ hai, các nhà quản lý chưa phấn đấu đặt ra các mục tiêu cụ thể và có kế hoạch hành động rõ ràng.
Thứ ba là chưa có quy định bắt buộc về vấn đề phải phát triển công trình xanh, thân thiện môi trường. Mới đây, Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị có nêu một vấn đề, đó là tiêu chí để nâng tầm đô thị thì phải có một khu đô thị xanh.
Nhiều tổ chức, cá nhân đã quan tâm đến tiêu chí này song vẫn chưa có tổ chức đánh giá đủ năng lực pháp lý để doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng dựa vào làm căn cứ đánh giá công trình xanh.
Hiện nay, việc đánh giá công trình xanh được Bộ Xây dựng giao cho Viện Kiến trúc Quốc gia, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam xây dựng tiêu chí. Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) là tổ chức công trình xanh thế giới tại Việt Nam cũng xây dựng hệ thống đánh giá công trình xanh LOTUS cùng với LEED (tiêu chí do Hội đồng Xây dựng xanh Mỹ - USGBC đề ra) và EDGE (hệ thống tiêu chí về giảm thiểu phát thải khí nhà kính của thế giới).
Như vậy, bên cạnh bộ tiêu chí “Kiến trúc xanh” của Hội KTS Việt Nam thì hiện tồn tại cùng lúc 5 bộ tiêu chí đánh giá “Công trình xanh” nhưng lại chưa có các công cụ đánh giá “Công trình xanh”, “Kiến trúc xanh” mang tính pháp lý để phục vụ công tác quản lý của Nhà nước. Điều này dẫn đến việc chứng nhận các công trình xanh hay kiến trúc xanh đang phát triển một cách tự phát.
Tháo gỡ những khó khăn
Việt Nam đã có những doanh nghiệp, đơn vị hướng đến các mục tiêu xây dựng các công trình xanh. Bà Lưu Thị Thanh Mẫu (Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation) được biết đến là một trong những nhà lãnh đạo tiên phong với nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển công trình xanh Việt Nam.
Từ những kinh nghiệm và nghiên cứu thực tế, bà Lưu Thị Thanh Mẫu đề xuất cần ban hành một bộ công cụ đánh giá công trình xanh/dự án công trình xanh áp dụng riêng cho Việt Nam và quy định thẩm quyền đánh giá, cấp chứng nhận công trình xanh thuộc cơ quan xây dựng.
Điều này để ngăn chặn tình trạng ứng dụng tùy tiện công trình xanh, làm cơ sở để phát triển công trình xanh một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất.
“Việt Nam cần tiến tới có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện công trình xanh/dự án công trình xanh chuyển dần từ khu vực công sang khu vực tư nhân. Điều này xem như gửi tín hiệu tới khu vực tư nhân và các nhà đầu tư rằng, Chính phủ đang nghiêm túc về vấn đề công trình xanh.
Hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước cho các chủ đầu tư thực hiện dự án công trình xanh là không đáng kể, từ đó làm cho giá kinh doanh dự án công trình xanh cao hơn dự án thông thường, tạo nên tâm lý ngại đầu tư xây dựng của các nhà đầu tư…”, bà Mẫu kiến nghị thêm.

Là người trực tiếp tham gia vào thực hiện dự án xây dựng, ông Đỗ Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần FECON cho biết, cần có cơ chế khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại vào xây dựng công trình, có cơ chế đột phá cho các dự án xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước được ứng dụng công nghệ, giải pháp thi công xây dựng hiện đại.
Theo nhiều chuyên gia, phát triển công trình xanh nửa vời, thiếu thực chất sẽ không những không đóng góp cho hiệu quả chung mà còn mang đến nhiều hệ lụy lớn như phát triển kém bền vững, lãng phí nguồn lực xã hội.
Ngược lại, phát triển toàn diện hệ thống công trình kiến trúc xanh thực chất là một trong những yếu tố tiên quyết tạo nên bước đột phá trong phát triển công trình xanh ở Việt Nam trong các giai đoạn tới, đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tiện ích - chất lượng sống cho người dân.
Nhằm tháo gỡ những rào cản, vướng mắc, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc phát sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng...
Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu, đề xuất, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét các giải pháp, chính sách theo hướng sau: Nghiên cứu lồng ghép các nội dung về sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; giảm tác động môi trường trong các lĩnh vực ngành xây dựng; giảm phát thải khí nhà kính; các cơ chế chính sách liên quan như các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; quá trình nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Cấp thoát nước…
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, cùng các kết quả mang lại về tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa, Việt Nam cũng gặp phải những rào cản, áp lực và mặt trái của quá trình phát triển. Đó là các áp lực về gia tăng dân số, suy thoái, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, thiếu hụt nguồn cung năng lượng. Vì vậy cần tạo điều kiện chuyển đổi xanh ngành xây dựng...
Còn KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế pháp luật về kiến trúc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất đối với các văn bản pháp luật liên quan; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực kiến trúc, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động kiến trúc; các công nghệ kỹ thuật xây dựng theo xu hướng bền vững, công trình xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, tiên tiến, hiện đại.
Hải Miên
Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8