Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cùng KOL tạo trào lưu “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Vừa qua, Bộ TT&TT đã tập hợp người có sức ảnh hưởng trên Internet (KOL) để phối hợp truyền thông, tạo trào lưu với phương châm: Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tin tích cực đẩy lùi tiêu cực.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, Internet đã trở thành không gian sống mới của loài người, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng chính là bảo vệ chế độ. Theo đó, Cục đã tìm tòi, rút ra những cách làm mới, đó là kết hợp giữa xây và chống.

Năm 2024 giữ kỷ lục về số lượng đáp ứng của các nền tảng (đạt trên 93%), số lượng lớn link thông tin xấu độc và các tài khoản, trang, kênh bị chặn gỡ. Nhận thức của toàn hệ thống chính trị đã thay đổi.

Cùng KOL tạo trào lưu “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” - 1
Các bạn trẻ chụp ảnh cùng cờ đỏ sao vàng dịp 2/9.

Các bộ, ngành đã có các quy định để cùng quản lý không gian mạng như: Luật Điện ảnh; Luật Thuế sửa đổi thu thuế các nền tảng xuyên biên giới; Luật Quảng cáo bổ sung về việc quản lý quảng cáo trên mạng và các nền tảng xuyên biên giới. 

Để giữ vững thế trận trên không gian mạng, nếu chỉ có lực lượng quản lý nhà nước thì chưa đủ. Do đó, Bộ TT&TT đã tập hợp những KOL, các công ty quản lý KOL, công ty quản lý đa kênh trên mạng, công ty quảng cáo, nhãn hàng và các nền tảng xuyên biên giới.

“Bộ TT&TT không coi đây là các đối tượng quản lý đơn thuần mà coi họ vừa là đối tượng quản lý đồng thời là đối tác đồng hành để triển khai các chiến dịch truyền thông, vì mục đích tốt đẹp”, ông Lê Quang Tự Do cho hay. 

Năm 2024, lần đầu tiên Bộ TT&TT đưa lực lượng này vào các chiến dịch truyền thông, tạo ra những trào lưu, xu hướng tích cực với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy thông tin tích cực đẩy lùi tiêu cực.

Khi triển khai thành công các chiến dịch truyền thông, Bộ cũng tổ chức ngày hội tôn vinh, vinh danh những cá nhân, đơn vị có sức ảnh hưởng trên mạng. Điều này đã truyền đi thông điệp, các nhà sáng tạo nội dung làm nội dung sạch sẽ được nhà nước vinh danh, cộng đồng ghi nhận.

Cục trưởng Lê Quang Tự Do cũng cho biết, Cục đã tổ chức xây dựng thế trận mạng với báo chí là dòng thông tin chủ đạo, định hướng dư luận, truyền thông xã hội sẽ cộng hưởng và lan tỏa thông tin chính thống từ báo chí.

Một bài báo về người tốt việc tốt chỉ khoảng vài ngàn view nhưng bằng các hình thức lan tỏa cộng hưởng của truyền thông xã hội, bài báo đó có đến 117.000 lượt like và 1.600 lượt bình luận.

Hoạt động chào cờ yêu nước nhân dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua cũng được hưởng ứng từ các KOL và sau đó lan tỏa ra toàn xã hội. Toàn bộ mạng xã hội từ Facebook, TikTok đều trở thành không gian để giới trẻ thể hiện lòng yêu nước qua những hình ảnh, video ấn tượng, qua đó nhận được hàng triệu lượt xem và hưởng ứng.

Từ trào lưu “Chụp ảnh với lá cờ Tổ quốc”, “Cờ Tổ quốc ở trong mắt - Tổ quốc ở trong tim” cho đến “Biến mái nhà thành lá cờ Tổ quốc” đều được lan tỏa rộng rãi và thu hút sự tham gia của cộng đồng mạng. Đây chính là cách để giới trẻ thể hiện tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc sâu sắc thông qua mạng xã hội.

Bên cạnh việc mạnh tay loại bỏ những nội dung lệch chuẩn và độc hại, việc xây dựng các chiến dịch, chính sách cụ thể để thúc đẩy văn hóa sáng tạo tích cực trên mạng là rất cần thiết.

Việc khuyến khích các nghệ sĩ và người nổi tiếng hướng đến những nội dung có giá trị văn hóa, giáo dục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức nhằm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” mang lại hiệu quả kép.

Xây dựng hình ảnh tích cực, đề cao giá trị văn hóa và đạo đức không chỉ giúp “dẹp cái xấu” mà còn thúc đẩy các nội dung lành mạnh, đem đến cho giới trẻ những hình mẫu chuẩn mực. Đây còn là cách làm bền vững để tạo dựng một “văn hóa số” văn minh, lành mạnh.

Đức Thọ

Báo Lao động và Xã hội số 157