Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Doanh nghiệp dồn lực thực hiện mục tiêu cuối năm

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - 7 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 439,88 tỷ USD, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng trọng điểm.

Đây là con số ấn tượng, động lực để các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu trong các tháng cuối năm.

Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng

Báo cáo Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 7 do Bộ Công Thương công bố cho thấy, trong tháng 7, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 14,08 tỷ USD.

Sau rieng 1.jpg
 Nông dân phấn khởi khi sầu riêng được giá.

Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế trong 7 tháng, cho thấy sự phục hồi mạnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,87 tỷ USD, tăng 9,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 26,05 tỷ USD, tăng 5,6%.

Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Đáng chú ý, trong 7 tháng, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Cụ thể, nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 21,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ước gần 192 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,35 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 0,6%).

Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn của nước ta trong 7 tháng đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số.

Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 66,09 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 7,2%; thị trường EU ước đạt 29,34 tỷ USD, tăng 15,8%; Hàn Quốc ước đạt 14,39 tỷ USD, tăng 9%; Nhật Bản ước 13,46 tỷ USD, tăng 2,8%.

Tất bật nửa cuối năm

Theo ông Phạm Minh Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Nam Định, trong 6 tháng, doanh thu của đơn vị ước đạt 420 tỷ đồng, trong đó 90% đến từ doanh thu FOB (nguyên liệu, sản xuất), lợi nhuận ước đạt 10 tỷ đồng. Hiện, công ty đã có đủ đơn cho năm 2024 và bắt đầu làm việc về đơn hàng quý I, II/2025.

Để nâng cao hiệu quả quản trị, đảm bảo năng lực nội tại và bộ máy vận hành của công ty phù hợp với tốc độ tăng trưởng hiện nay, công ty đang tập trung số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh và điều hành nhằm tối ưu hóa chi phí, phát huy hiệu quả trên nền tảng số; đồng thời đảm bảo đầy đủ chế độ giữ chân người lao động.

Nói về đơn hàng trong nửa cuối năm, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony cho biết, đơn hàng rất dồi dào, doanh  nghiệp chạy hết công suất cũng không kịp, thậm chí phải từ chối nhiều đơn hàng. 

Theo ông Quang Anh, tình hình khả quan này không chỉ ở riêng Dony mà ở đa phần doanh nghiệp trong ngành may nhưng giá đơn hàng vẫn còn khá thấp. Nguyên nhân chủ yếu do 2 năm gần đây chúng ta đưa ra mức giá thấp hơn để thu hút và giữ chân khách hàng nên bây giờ muốn đàm phán để nhích giá lên không đơn giản. 

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho hay, các đơn hàng xuất khẩu của May 10 đã lấp đầy đến hết tháng 10. Ông Việt dự báo 6 tháng cuối năm, các đơn hàng sẽ sôi động hơn nhờ mùa lễ hội như Giáng sinh và Tết dương lịch, Tết âm lịch.

Không chỉ dệt may, các ngành khác như da giày, thủy sản cũng đặt nhiều kỳ vọng trong năm 2024. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm, thủy sản có thể cán đích khoảng 4,4 tỷ USD, toàn ngành phấn đấu cả năm là 10 tỷ USD.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, quý III là giai đoạn vùng sầu riêng Tây Nguyên vào vụ, lúc này Thái Lan và Malaysia lại ít hàng do hết mùa nên dự kiến giá sầu riêng sẽ tốt hơn.

Từ đó kéo theo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành khả quan hơn, ít nhất rau quả sẽ mang về 7 tỷ USD. Ngoài ra, nếu nghị định thư về sầu riêng đông lạnh và dừa tươi được ký trong năm nay, kết quả chung toàn ngành có thể là 7,5 tỷ USD.

Để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong các tháng cuối năm, ngoài những nỗ lực của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng cần có thêm trợ lực cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu có vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa, định hình lại chuỗi cung ứng và căng thẳng thương mại gia tăng.

Để phát huy tối đa lợi thế của nền kinh tế kết nối, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất, nhập khẩu; thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt.

Còn bà Đinh Thị Thuý Phương, Vụ trưởng Vụ thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng Cục thống kê cho rằng, cầu hàng hóa trên thế giới có xu hướng tăng, hoạt động sản xuất trong nước tích cực, chất lượng hàng hóa Việt Nam ngày càng được khẳng định.

Trong nửa cuối năm, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền lợi thế của hiệp định thương mại tự do tới các doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại hàng hóa trên thị trường, đặc biệt tận dụng tối đa các chương trình chuyển đổi số, kết nối thương mại điện tử; giảm bớt thời gian thông quan hàng hóa để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

7 tháng, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Cụ thể, nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 21,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo đạt gần 192 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,35 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 0,6%).

 

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội số 95

Tin liên quan