Trước đây, Quy định 132-QĐ/TW năm 2018 chỉ quy định duy nhất một trường hợp không phải kiểm điểm là Đảng viên được miễn công tác và miễn sinh hoạt.
Tuy nhiên, theo quy định mới tại Khoản 2 Điều 5 Quy định 124-QĐ/TW năm 2023 quy định đối tượng kiểm điểm là cá nhân gồm: Đảng viên trong toàn Đảng (trừ đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng; đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng; đảng viên mới kết nạp chưa đủ 6 tháng). Ngoài ra còn có cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Như vậy, theo quy định nêu trên Đảng viên không cần kiểm điểm cuối năm trong trường hợp: Đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng; Đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng; Đảng viên mới kết nạp chưa đủ 6 tháng.
3 bước đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm
Điều 11 Quy định 124-QĐ/TW hướng dẫn phương pháp, quy trình đánh giá, xếp loại hằng năm.
Cụ thể, căn cứ các tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn mức xếp loại chất lượng được quy định cụ thể cho từng tập thể, cá nhân và ý kiến của các cơ quan liên quan tham gia đánh giá, xác định mức độ đạt được của từng tiêu chí theo 4 cấp độ (Xuất sắc, Tốt, Trung bình, Kém), làm cơ sở để cấp có thẩm quyền nhận xét, đánh giá và xếp loại chất lượng đối với mỗi tập thể, cá nhân.
Việc đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân thực hiện theo 3 bước.
Bước 1, tập thể, cá nhân tự đánh giá, xếp loại: Căn cứ tiêu chí xếp loại, từng tổ chức, tập thể, cá nhân tự phân tích chất lượng và xếp loại vào 1 trong 4 mức theo quy định tại Điều 12 của Quy định này.
Bước 2, thẩm định và đề xuất mức xếp loại: Trên cơ sở kết quả tự đánh giá, xếp loại của tập thể, cá nhân và ý kiến tham gia của cơ quan có liên quan, cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ thẩm định và đề xuất mức xếp loại chất lượng.
Bước 3, cấp có thẩm quyền quyết định xếp loại chất lượng: Đối với những tập thể, cá nhân sau khi có kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng nếu có đơn, thư khiếu nại, tố cáo, có dấu hiệu vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật Nhà nước, mất đoàn kết nội bộ thì cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, xác minh, thẩm định, xem xét lại kết quả đánh giá, xếp loại.
Đánh giá, xếp loại hoạt động của chính quyền, công tác chuyên môn, đoàn thể trước, tổ chức đảng sau; tập thể cấp dưới trước, cấp trên sau; tập thể lãnh đạo, quản lý trước, cá nhân thành viên sau.
Sau khi hoàn thành đánh giá, xếp loại các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị thì đánh giá, xếp loại đối với người đứng đầu.
Thực hiện thống nhất việc đánh giá, xếp loại đối với tổ chức, tập thể lãnh đạo, quản lý từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương.
Hủy bỏ và xếp loại lại nếu phát hiện có khuyết điểm
Kết quả kiểm điểm là cơ sở để thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm của tập thể, cá nhân.
Nội dung nhận xét, đánh giá được thông báo tới đối tượng đánh giá và tập thể, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng đối tượng đánh giá. Kết quả xếp loại chất lượng hằng năm được công khai theo quy định.
Tập thể, cá nhân đã được xếp loại chất lượng nhưng sau đó phát hiện có khuyết điểm, không bảo đảm tiêu chuẩn của mức xếp loại thì cấp có thẩm quyền xem xét hủy bỏ và xếp loại lại.
Kết quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại là căn cứ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm để củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý của các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị;
Là cơ sở để thực hiện các nội dung về công tác tổ chức, cán bộ, đánh giá người đứng đầu và các tập thể, cá nhân có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tương đồng; đồng thời là cơ sở để bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm.
Điều 16 của Quy định này cũng quy định việc bảo lưu ý kiến và khiếu nại, kiến nghị kết quả đánh giá, xếp loại.
Theo đó, các tập thể, cá nhân có quyền trình bày, bảo lưu ý kiến lên cấp trên trực tiếp những vấn đề, nội dung chưa đồng tình về kết quả đánh giá, xếp loại, nhưng phải chấp hành kết luận nhận xét, đánh giá, xếp loại của cấp có thẩm quyền.
Khi có khiếu nại, kiến nghị bằng văn bản về nội dung nhận xét, đánh giá và kết quả xếp loại thì cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại có trách nhiệm xem xét, kết luận và thông báo bằng văn bản đến tập thể, cá nhân khiếu nại, kiến nghị.