Đa dạng sản phẩm du lịch độc đáo
Hà Nội là địa phương xây dựng thành công các sản phẩm du lịch đêm với 16 sản phẩm.
Một trong những sản phẩm độc đáo là tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chủ đề “Tinh hoa đạo học”, hay những tour đêm đã tạo ấn tượng tốt với du khách và được nhiều người biết đến như:
“Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò; văn học “Chữ Tâm, chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam; show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ” ở huyện Quốc Oai; các không gian đi bộ đêm…

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội cho biết, với sự đầu tư, quảng bá và bảo tồn, Hà Nội có thể trở thành điểm đến du lịch đêm hấp dẫn, sáng tạo và đầy cảm xúc, góp phần phát triển kinh tế và mang đến những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách.
Theo Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm của Bộ VH-TT&DL, mục tiêu đến năm 2025, các địa bàn gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu tối thiểu có một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Theo đó, hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM; tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện đề án ít nhất 1 đêm.
Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn; hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.
Bên cạnh sản phẩm du lịch đêm, các địa phương đã chủ động xây dựng những sản phẩm đặc thù, độc đáo. Có thể kể đến sản phẩm kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam.
Có thể kể đến như: Festival Nghệ thuật Huế, Festival Biển Nha Trang, Carnaval Biển Hạ Long, Festival Cồng chiêng Tây Nguyên, Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội Ẩm thực Đất phương Nam, Lễ hội Trái cây Nam bộ, Liên hoan Ẩm thực ba miền...

Tạo sức hút bằng sự khác biệt
Đa dạng sản phẩm để giữ chân du khách, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Thắng (cựu hướng dẫn viên du lịch) cho rằng, muốn tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách, vấn đề phải tạo ra sản phẩm mới để chào bán, du khách phải được thưởng thức, mua sắm.
Nhưng để thực hiện điều này, đòi hỏi sản phẩm du lịch phải thật sự hấp dẫn, có giá trị mới kích thích khách du lịch bỏ tiền mua…
Bên cạnh những sản phẩm du lịch độc đáo, việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn đến với du khách quốc tế là nhiệm vụ quan trọng.
Trong bối cảnh mới, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã đẩy mạnh quảng bá trên website du lịch quốc gia https://vietnam.travel kết hợp với các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Instagram, YouTube, Zalo, Viber... để tận dụng hiệu ứng lan tỏa rộng rãi.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, chính sách mới cởi mở và thuận tiện về visa với người nước ngoài vào Việt Nam đã giúp Việt Nam có thêm thị phần khách quốc tế là nghỉ dưỡng, lưu trú, thăm thân, du lịch xuyên Việt… giúp kích cầu kinh tế địa phương.
“Chính sách visa của chúng ta rất đổi mới, việc miễn visa cho những nước miễn visa song phương là 45 ngày, thời gian lưu trú 45 ngày, đi bằng visa điện tử có thể lên tới 90 ngày và đã nghiên cứu vấn đề có thể mở rộng thời gian ở Việt Nam còn lâu dài hơn nữa.
Chúng tôi tin rằng ngành du lịch có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như kỳ vọng, các doanh nghiệp du lịch phải làm việc rất nhiều, phải rất cố gắng…", ông Vũ Thế Bình nói.
Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch được du khách quốc tế yêu thích, nhưng vẫn hạn chế trong việc du khách lưu lại dài ngày.
Chính vì vậy, các tỉnh, thành phố cần lập kế hoạch và triển khai xây dựng mở rộng không gian phát triển thêm nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo hơn nữa cho du khách trải nghiệm là rất cần thiết.
Qua đó, vừa đáp ứng nhu cầu du khách, vừa tăng thêm thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của khách du lịch, góp phần khẳng định Việt Nam là điểm đến ấn tượng, đáng nhớ.
Duy Linh