Những năm gần đây, nội dung cướp Phết trong lễ hội bị tạm dừng do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Vấn đề này rất cần được các nhà quản lý, nhà khoa học, cộng đồng tìm phương án phù hợp để tổ chức trở lại.
Tại hội thảo khoa học “Lễ hội Phết Hiền Quan - Nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý, tổ chức” vừa được tổ chức, GS, TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, lễ hội Phết Hiền Quan cần được xếp vào Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và bảo tồn, phát huy theo Luật Di sản.
Ông băn khoăn, từ năm 2019 đến nay, do có những thiếu sót trong khâu tổ chức mà hội Phết Hiền Quan không có phần cướp phết. Do vậy, việc tổ chức hội thảo để tìm các giải pháp khắc phục thiếu sót, bất cập trong tổ chức và quản lý lễ hội Phết Hiền Quan là việc làm ý nghĩa.
Trên cơ sở đó, có thể nghiên cứu xây dựng lại kịch bản lễ hội với các quy chế tổ chức, quản lý lễ hội phù hợp, hiệu quả. Đồng thời cũng cho rằng, phần cướp phết do cộng đồng đặt ra nên người chơi phải phân định thắng thua một cách thuyết phục.
Càng là trò chơi cộng đồng lớn, yêu cầu cạnh tranh cao, trò chơi gắn với nguồn cội tổ tiên, gắn với văn hóa tâm linh, văn minh, lịch sự như hội Phết Hiền Quan thì càng phải có luật chơi chặt chẽ và chuẩn xác…
Đại tá Ngô Anh Thu, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân chia sẻ, để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội thì rất cần sự quan tâm của các cấp. Cùng với đó, xã Hiền Quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho chủ thể văn hóa và công chúng khi tham gia hội Phết Hiền Quan;
Đẩy mạnh vai trò truyền thông của báo chí trong việc giới thiệu nguồn gốc, nhận diện và phản ánh đúng giá trị của lễ hội, tiến tới triệt tiêu các hành vi tiêu cực như chen lấn, tranh cướp, xô xát, lợi dụng kinh doanh trái phép, cờ bạc trá hình diễn ra trong lễ hội…
Trong khi đó, ông Phạm Bá Khiêm, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ cũng đề xuất cần tăng cường nhiều hình thức tuyên truyền cho lễ hội; xác định rõ quy mô tổ chức, xây dựng kịch bản “đánh phết” theo truyền thống, lấy nghi lễ tâm linh làm trọng; xây dựng quy chế, thể lệ hình thức tổ chức và phương án bảo vệ, có chế tài xử lý vi phạm rõ ràng.
“Nếu có kịch bản phù hợp, địa điểm thuận lợi và phương án bảo vệ tốt thì có thể khôi phục sớm hội Phết Hiền Quan. Trả lại hội Phết Hiền Quan cho người Hiền Quan”, ông Phạm Bá Khiêm nhấn mạnh.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cho biết, việc tổ chức lễ hội Phết tại xã Hiền Quan không chỉ là dịp để tôn vinh truyền thống văn hóa đặc sắc mà còn mang ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.
Các nguyên tắc tổ chức như tôn vinh truyền thống, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững đều góp phần tạo nên lễ hội vừa giữ được nét đẹp văn hóa gốc, vừa đáp ứng được nhu cầu thời đại. Điều này không chỉ giúp kết nối cộng đồng mà còn khơi gợi ý thức gìn giữ văn hóa, bảo vệ môi trường và khuyến khích phát triển kinh tế địa phương.
Việc tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc này là cơ sở để lễ hội Phết không chỉ thành công trong ngắn hạn mà còn phát triển mạnh mẽ, bền vững và có sức lan tỏa lâu dài trong tương lai…
“Cần nhận diện rõ các hành vi bị coi là phản cảm, bạo lực trong lễ hội và đề xuất các giải pháp loại bỏ các yếu tố bạo lực, hành vi phản cảm, không đúng với giá trị của lễ hội Phết;
Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các phương án bảo đảm an ninh trật tự trong lễ hội Phết nhằm bảo đảm thực hành các nghi thức truyền thống và phát huy được giá trị của lễ hội, để lễ hội được tổ chức phần cướp phết đang dần bị mai một. Đây cũng là mong mỏi của người dân xã Hiền Quan nói riêng và huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ nói chung”, ông Bùi Hoài Sơn nói.
Minh Vũ
Báo Lao động và Xã hội số 150