Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giải bài toán hạ tầng, giảm chi phí logistics

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước cũng như từng địa phương...

... góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, chi phí logistics cao đang làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Nhằm giảm chi phí nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics.

Chi phí logistics cao rào cản xuất, nhập khẩu

Tại Việt Nam, giá trị thị trường logistics đạt khoảng 40 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ khoảng 14 - 15% hàng năm đến năm 2025. Ngành logistics hiện đóng góp khoảng 4 - 5% GDP và tạo ra việc làm cho hơn 1 triệu lao động trực tiếp. 

Giải bài toán hạ tầng, giảm chi phí logistics - 1
 Hàng hoá vận chuyển tại cảng Tân Vũ, Hải Phòng.

Hiện có khoảng trên dưới 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics, trong đó có hàng chục tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới đang hoạt động tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, chi phí logistics ở Việt Nam hiện trung bình ở mức 16 - 17% GDP, nhiều năm trước đây còn là 18 - 19%. Đây là mức chi phí logistics tương đối cao so với các nước trong khu vực và châu lục (Nhật Bản chi phí logistics chỉ chiếm 11%/GDP, Singapore 8%, Malaysia 13%, Indonesia 13%)…

Lý giải các các yếu tố làm tăng chi phí logistics ở Việt Nam,  Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trần Thanh Hải cho rằng, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế giữa vận tải đường biển, đường sắt và đường bộ.

Thiếu trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế tại khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối phân phối hàng hóa. Kết nối giữa các phương thức vận tải vẫn tiếp tục là vấn đề hạn chế, là nguyên nhân dẫn đến chi phí vận tải còn cao. Vận tải hàng đường bộ chiếm thị phần lớn trong vận tải hàng hóa, trong khi hiện nay chi phí vận tải đường bộ còn ở mức cao.

“Mặc dù đã có nhiều cải tiến, nhưng thời gian thông quan hàng hóa trong một số trường hợp vẫn bị kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với hàng hóa phải có các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Thời gian chậm thông quan hàng hóa cũng là một yếu tố làm gia tăng gánh nặng chi phí logistics.

Chi phí logistics càng cao càng làm giá thành của hàng hóa, hay dịch vụ cao. Điều này sẽ kéo giảm khả năng cạnh tranh với hàng hóa, hay dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác, quốc gia khác”, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu nhận định. 

Báo cáo logistics Việt Nam 2024 cũng chỉ ra, ngành logistics Việt Nam còn nhiều khó khăn như: Cơ cấu vận tải hàng hóa phụ thuộc nhiều vào vận tải đường bộ là một trong những nguyên nhân dẫn đến chi phí logistics cao; phát triển logistics ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở hạ tầng; thiếu hụt nhân sự có chuyên môn kỹ thuật cao;

Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số chưa toàn diện; công tác thông tin, số liệu về logistics chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ điều hành, hoạch định chính sách của cơ quan quản lý cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp; chưa tận dụng hết tiềm năng của các khu thương mại tự do.

Tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng, giảm chi phí logistics

Hiện nay, TPHCM đang dẫn đầu về chỉ số phát triển logistics, hơn 70% số DN logistics của cả nước đang tập trung tại thành phố và các địa phương lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện mỗi năm, thành phố đạt mức tăng trưởng của hoạt động này từ 14 - 16%. Ngành logistics đang đóng góp khoảng 9% cho GRDP của thành phố và đang trên đà phát triển.

Để thực hiện mục tiêu trở thành đầu mối logistics không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực Đông Nam Á, mới đây, TPHCM đã ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng logistics nhằm tăng cường công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển và hình thành các trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực.

Theo đó, thành phố hướng tới xây dựng 8 trung tâm logistics quan trọng, dự kiến hoàn thành trước năm 2030. Bao gồm: Trung tâm logistics Cát Lái (TP. Thủ Đức); trung tâm logistics Linh Trung (TP. Thủ Đức); trung tâm logistics Long Bình (TP. Thủ Đức); trung tâm logistics Tân Kiên (huyện Bình Chánh);

Trung tâm logistics Hiệp Phước (huyện Nhà Bè); trung tâm logistics Củ Chi (huyện Củ Chi); cảng Cạn - Trung tâm logistics Khu công nghệ cao (TP. Thủ Đức); trung tâm logistics Tân Hiệp (huyện Hóc Môn).

 Hà Nội được ví như “trái tim” của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, sở hữu hệ thống giao thông đa dạng và đồng bộ bao gồm đường bộ, đường thủy, hàng không và đường sắt. Khoảng 40% hàng hóa từ các tỉnh, thành khác được vận chuyển qua Hà Nội.

Thành phố cũng đang quản lý 10 KCN đang hoạt động và hơn 100 cụm công nghiệp đang phát triển, bên cạnh hàng nghìn siêu thị, trung tâm thương mại, chợ và cửa hàng phục vụ cho nhu cầu của hơn 10 triệu dân. Để thúc đẩy ngành logistics phát triển, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 399/KH-UBND về việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố năm 2025.

Kế hoạch nhằm thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3 (3PL), mức độ 4 (4PL); hướng đến mức độ 5 (5PL), logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại.

Với mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực trong tương lai, TP Hải Phòng đang triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển logistics. TP Hải Phòng tập trung xúc tiến và thu hút đầu tư theo hướng phát triển ba trụ cột kinh tế gồm: công nghiệp - công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại.

Hiện địa phương này có 1 khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 14 khu công nghiệp, tạo nên tiềm năng, lợi thế kết nối logistics từ hệ thống cảng biển, cảng hàng không và hệ thống giao thông thuận lợi, tạo điều kiện để các nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, TP Hải Phòng cũng phát triển 5 khu bến với 98 cầu bến các loại, trong đó có 52 bến cảng thuộc hệ thống các cảng biển Việt Nam với tổng chiều dài là hơn 14 km cùng 8 đoạn luồng hàng hải chính. Ngoài ra, TP Hải Phòng còn có hệ thống kho, bãi phục vụ dịch vụ logistics đạt hơn 700 ha với khoảng hơn 60 kho bãi chính…

Những năm qua, Quảng Ninh đã luôn quan tâm phát triển dịch vụ logistics. Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt hơn 122 triệu tấn, lưu lượng hành khách vận tải biển đạt từ 250.000 - 300.000 lượt, dịch vụ cảng biển đóng góp từ 1,2-1,5% GRDP của tỉnh, hình thành thương hiệu Quảng Ninh trên bản đồ cảng biển khu vực và quốc tế.

Định hướng lâu dài đến năm 2050 Quảng Ninh là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN.

Quảng Ninh đang tập trung đầu tư cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, trong đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng biển, như: Kêu gọi đầu tư vào cảng Con Ong - Hòn Nét (TP Cẩm Phả); hạ tầng các KCN cảng biển Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc (TX Quảng Yên); cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà); hệ thống đường bộ liên kết vùng với các địa phương: Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, Hải Phòng...

Phương Anh

Báo Lao động và Xã hội số 26

Tin liên quan
Ngành logistics thiếu cả thầy lẫn thợ

Ngành logistics thiếu cả thầy lẫn thợ

(LĐXH) - Mặc dù được đánh giá là ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển lớn, vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế nhưng nguồn nhân...