Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Ngành logistics thiếu cả thầy lẫn thợ

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Mặc dù được đánh giá là ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển lớn, vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế nhưng nguồn nhân lực của ngành logistics chỉ đáp ứng 40% nhu cầu.

Đến năm 2030, ngành logistics cần bổ sung 2 triệu nhân lực

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng và hấp dẫn cho sự phát triển của ngành logistics. Theo khảo sát, ngành logistics mỗi năm cần hơn 200.000 nhân lực.

Toàn quốc hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến logistics, trong đó khoảng 4.000 công ty logistics chuyên nghiệp có dịch vụ kết nối quốc tế. Riêng TPHCM chiếm khoảng 54%. Từ nay tới năm 2030, cả nước cần khoảng 2 triệu lao động ngành logistics. 

Ngành logistics thiếu cả thầy lẫn thợ - 1
Nguồn nhân lực của ngành logistics chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu.

Tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics đạt từ 14 - 16%, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm và đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh, ổn định nhất của Việt Nam. Sự lên ngôi của các xu hướng vận chuyển và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành một trong 29 trung tâm logistics thuộc Chương trình hộ chiếu logistics thế giới.

Còn theo bảng xếp hạng Agility 2024, thị trường logistics Việt Nam đứng thứ 10/50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tại Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau 3 nước Malaysia, Indonesia và Thái Lan, xếp trên Philippines, Myanmar và Campuchia.

Các nhu cầu về cảng, kho bãi và giao nhận hàng hóa ngày càng tăng. Lĩnh vực này tiếp tục có những nhu cầu phát triển kỹ năng nguồn nhân lực, đặc biệt để đáp ứng xu hướng số hóa.

Mục tiêu của Việt Nam đến 2025 là tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 8 - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15 - 20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Vận tải đường sắt Ratraco cho hay, những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh nhưng Việt Nam lại thiếu hoạt động cung cấp dịch vụ logistics, trong khi xu hướng logistics tại các nước trên thế giới đã thay đổi rất nhiều.

“Dịch vụ cung cấp logistics của Việt Nam vẫn chủ yếu làm theo phương thức truyền thống khi chủ yếu tập trung 40% tổng giá trị hàng hóa phân phối qua kênh bán lẻ (truyền thống), chỉ 5 - 6% phân phối qua kênh điện tử. Tuy nhiên, xu hướng TMĐT xuyên biên giới phát triển rất nhanh nên thị trường lao động trong lĩnh vực này ngày càng thiếu”, ông Hùng cho hay. 

Việt Nam hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Tuy nhiên, nhân lực logistics vẫn chưa đáp ứng đủ. Vì vậy, việc xây dựng năng lực lao động và gắn kết doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được đặt ra rất bức thiết.

Chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), 50% doanh nghiệp logistics có nhu cầu cần tuyển dụng thêm 15 - 20% nhân viên. Trong khi đó, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ             logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động đang làm việc trong lĩnh vực này.

Còn theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu và tư vấn công nghiệp Việt Nam, 60 - 80% doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng năng lực của đội ngũ nhân lực logistics, bao gồm cả nhân lực trực tiếp và cán bộ quản lý, chỉ ở mức trung bình thấp.

Thực tế là thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu kiến thức toàn diện, chưa theo kịp sự phát triển của logistics thế giới, trình độ tiếng Anh nghiệp vụ logistics còn hạn chế… 

Bên cạnh đó, quy mô đào tạo chính quy dài hạn và ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Hơn 85% doanh nghiệp logistics phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thông qua thực tế công việc.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp quy mô lớn đã tự đầu tư trung tâm đào tạo nhân lực và quản lý chuỗi cung ứng riêng để bảo đảm mục tiêu phát triển. Nhân lực logistics hiện chủ yếu được lấy từ các đại lý hãng tàu, công ty giao nhận vận tải biển và sử dụng theo khả năng hiện có.

Còn theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, về chất lượng nguồn nhân lực logistics, 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.

Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng ghi nhận, có tới 80,26% nhân viên trong các doanh nghiệp logistics được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày; 23,6% nhân viên tham gia các khóa đào tạo trong nước; 6,9% nhân viên được các chuyên gia nước ngoài đào tạo; chỉ 3,9% được tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn mất cân đối giữa các lĩnh vực đào tạo, ngành nghề, nhất là ở những ngành nghề mới, đòi hỏi lực lượng nhân lực có kỹ năng như logistics hay gần đây là chip bán dẫn, khi các doanh nghiệp FDI đang có định hướng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, lĩnh vực logistics hay chip bán dẫn gần như mới chỉ có vài trường đào tạo với số lượng rất ít. Việc mất cân đối trong vấn đề tuyển sinh, đào tạo dẫn đến mất cân đối cung ứng nhân lực cho các ngành kinh tế.

“Việc tuyển được nhân lực học đúng chuyên ngành logistics rất khó. Hơn nữa, việc đào tạo chưa gắn liền với thực tiễn như kết hợp với doanh nghiệp, các mô hình; phương pháp chủ yếu là giảng “chay”. Mới chỉ Trường Đại học Hàng Hải có trung tâm đào tạo logistics do Nhật Bản tài trợ.

Ngoài ra, chương trình đào tạo mỗi trường một kiểu. Thực trạng trên dẫn đến một số sinh viên khi ra làm việc tại doanh nghiệp không thể phân loại được hàng hóa”, TS Bùi Quý Thuấn, Trường Đại học Phenikaa thông tin.

Để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm: Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp  logistics và trường nghề; đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với doanh nghiệp nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics…

Hà Phương

Báo Lao động và Xã hội số 20

Tin liên quan
Chuẩn bị nhân lực cho nền kinh tế xanh

Chuẩn bị nhân lực cho nền kinh tế xanh

(LĐXH) - Việt Nam đã có sự chuyển đổi trong mô hình phát triển, hướng tới nền kinh tế xanh, đây là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu hướng chung...
Nhiều ngành nghề “khát” nhân lực

Nhiều ngành nghề “khát” nhân lực

(LĐXH) - Năm 2025, lĩnh vực kinh doanh, bán hàng sẽ là mục tiêu tuyển dụng ưu tiên của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là IT - phần mềm, dù nguồn cầu giảm...