Với hơn 400 triệu người dân chuẩn bị bước sang tuổi 60 trong thập niên tới, Trung Quốc đang đối mặt với thách thức chưa từng có về chăm sóc sức khỏe.
Nhiệm vụ chăm sóc người cao tuổi có thể là bài toán đau đầu với Bắc Kinh khi thế hệ bùng nổ dân số của quốc gia này ngày càng già đi. Nhưng với Perennial Holdings, nhà điều hành bệnh viện Singapore, đây lại là cơ hội lâu dài.

Perennial Holdings đặt cược rằng điều này sẽ mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà đầu tư có khả năng đáp ứng nhu cầu về dịch vụ và chăm sóc cao cấp cho nhóm dân số này, những người sinh ra vào những năm 1960 đầy biến động của Trung Quốc nhưng may mắn được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc những thập niên qua.
“Khi mọi người có mức thu nhập nhất định, họ đã quen với mức điều trị y tế nhất định. Chính phủ không thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu này”, ông Pua Seck Guan, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Perennial cho biết.
Bắc Kinh ước tính chỉ 3% người về hưu sẽ vào viện dưỡng lão hoặc các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Số còn lại có thể sẽ dành những năm tháng cuối đời tại nhà hoặc phụ thuộc vào sự chăm sóc của cộng đồng địa phương.
Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi khu vực tư nhân mở rộng mọi thứ liên quan đến chăm sóc người cao tuổi, từ sản xuất bỉm và xe lăn đến xây dựng viện dưỡng lão và các lựa chọn giải trí theo yêu cầu, những yếu tố chính của một nền kinh tế “bạc” mà theo truyền thông nước này có thể đạt tới 4.200 tỷ USD.
Việc đáp ứng nhu cầu của những người về hưu giàu có nhất ở quốc gia có 1,4 tỷ dân sẽ tạo ra thị trường đáng kể. “Chiếc bánh quá lớn đến nỗi tôi không nghĩ rằng ở giai đoạn này, chúng ta sẽ nói đến việc cạnh tranh. Còn rất nhiều dư địa để phát triển”, ông Pua Seck Guan nói.
Perennial đang vận hành 2 dự án tích hợp bệnh viện, cơ sở phục hồi chức năng và các tiện nghi khác tại thành phố Thiên Tân và Thành Đô (Trung Quốc). Trong dự án tại Thiên Tân, họ cũng xây dựng nhà dưỡng lão và căn hộ hỗ trợ sinh hoạt và tại Tây An thì lên kế hoạch bổ sung các cơ sở chăm sóc người cao tuổi vào một dự án hiện có.
Ở trong những ngôi nhà này, người cao tuổi phải chi 7.000 - 20.000 nhân dân tệ mỗi tháng (tương đương 960 - 2.740 USD), bao gồm tiền ăn và dịch vụ chăm sóc điều dưỡng lành nghề.
Trong khi đó, một số viện dưỡng lão do nhà nước Trung Quốc hỗ trợ có mức giá rẻ hơn, dưới 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Nhưng danh sách đăng ký để ở những nơi rẻ và phổ biến kéo dài đến mức phải chờ tới hàng thập niên.
Một số nhà đầu tư phân khúc dưỡng lão của Nhật Bản và Mỹ cũng đã thâm nhập vào thị trường Trung Quốc trong thập niên qua. Công ty đầu tư toàn cầu của Mỹ Fortress Investment Group đã hợp tác với tập đoàn Trung Quốc Fosun International để vận hành một số cộng đồng người cao tuổi trên khắp thành phố lớn tại Trung Quốc.
Các công ty bảo hiểm Trung Quốc như Taikang Life Insurance và nhà phát triển bất động sản như Sino-Ocean Group Holding cũng đã xây dựng các khu phức hợp cao cấp dành cho người cao tuổi nhằm thu hút người về hưu khá giả.
Vào tháng 9/2024, Bắc Kinh đã dỡ bỏ các rào cản đối với đầu tư nước ngoài vào ngành chăm sóc sức khỏe khổng lồ của mình, bao gồm cả việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài điều hành bệnh viện mà không cần đối tác Trung Quốc.
Bệnh viện đa khoa trị giá 1 tỷ nhân dân tệ của Perennial nằm trong phạm vi đi bộ của khu dân cư Thiên Tân khai trương vào quý I sẽ trở thành cơ sở chăm sóc sức khỏe đầu tiên do nước ngoài sở hữu hoàn toàn.
Diệu Linh (theo SCMP)
Báo Lao động và Xã hội số 15