Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giảm 2% thuế VAT - “cú hích” kích cầu tiêu dùng

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Các chuyên gia đánh giá, chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ là "cú hích" cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn. Từ đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.

Doanh nghiệp giảm được giá thành sản phẩm

Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa được Quốc hội thông qua đã cho phép tiếp tục giảm 2% thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2024. Ngay lập tức, Chính phủ ban hành Nghị định số 72 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết của Quốc hội.

thue.jpg
Doanh nghiệp, người tiêu dùng đều được hưởng lợi khi thuế VAT giảm.

Như vậy, cùng với chính sách gia hạn nộp thuế, phí được Chính phủ ban hành giữa tháng 6, chính sách giảm thuế VAT 2% được coi là "cú hích" tiếp theo trợ lực cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng. Đúng với tinh thần trong Nghị quyết 93 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Agrex Sài Gòn đánh giá cao chính sách giảm 2% thuế VAT. Nhờ chính sách này, doanh nghiệp không những giảm được chi phí mà giá bán cũng sẽ giảm. Và cái lợi là kích thích sản xuất lẫn tiêu dùng.

“Trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, cước phí vận chuyển cũng tăng, giá bán doanh nghiệp Việt Nam rất khó giữ, tăng thì khó cạnh tranh, sức mua giảm. Do đó, những chính sách như giảm 2% thuế VAT hay giãn thời gian nộp thuế là những trợ lực rất cần thiết để doanh nghiệp trong nước hồi phục”, ông Long chia sẻ.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, việc kéo dài các chính sách tài khóa, giãn hoãn nợ, giảm thuế, phí, trong đó có giảm thuế VAT sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng tiêu dùng, xuất khẩu.

"Chính sách này rất tối ưu vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đây không đơn thuần là giảm thuế mà là Nhà nước chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM đánh giá.

Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi

Cũng theo phân tích của các chuyên gia, giảm thuế GTGT làm cho cán cân cung - cầu của nền kinh tế được gần nhau hơn, nên thị trường sẽ xác lập mức giá mới thấp hơn mức giá khi không giảm thuế. Điều này góp một phần vào công cuộc giảm tỷ lệ lạm phát.

Tóm lại, khi giảm thuế GTGT thì người dân được hưởng lợi vì sẽ mua được nhiều hàng hóa hơn với cùng một lượng tiền và doanh nghiệp có điều kiện duy trì và gia tăng sản xuất, qua đó vực dậy nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ lạm phát trong thời gian tới.

Với siêu thị, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, việc giảm thuế VAT giúp doanh thu tăng lên. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, hệ thống bán lẻ có mức tăng trưởng trên 10%. "Nhà nước tiếp tục áp dụng chính sách VAT 2% cho 6 tháng cuối năm, chúng tôi rất vui mừng. Đó là biện pháp kích cầu tiêu dùng hữu hiệu.

Từ giờ đến hết năm sẽ giúp sức mua của người dân tăng lên, do cận các lễ lớn, tết. Việc giảm 2% tuy không nhiều nhưng góp phần tăng trưởng cho chúng tôi cũng như mức tiêu dùng chung càng ngày càng tăng ", bà Ngô Thị Minh Thu, Giám đốc Trung tâm Bách Hóa tổng hợp Siêu thị AEON Việt Nam, chi nhánh Hải Phòng Lê Chân cho hay.

Chị Lê Minh Hòa (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết, từ năm 2023 đến nay, với việc giảm thuế VAT nhiều mặt hàng từ 10% còn 8%, mỗi lần đi siêu thị, chị tiết kiệm được vài chục ngàn đồng cho mỗi hóa đơn thanh toán. Số tiền cho từng lần mua không lớn nhưng tính trên nhiều hóa đơn lại là nhiều, đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, chi tiêu phải tính toán như hiện nay.

Nhấn mạnh cần tiếp tục giảm thuế VAT đến hết năm 2024, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc giảm thuế VAT chính là tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể sử dụng, tiêu thụ hàng hóa hóa nhiều hơn. Trên cơ sở đó kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều này có ý nghĩa lớn khi cùng với đầu tư và xuất khẩu, tiêu dùng trong nước là một trong 3 động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Số tiền giảm thể hiện trên từng hóa đơn mua hàng sẽ kích thích người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống. Từ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng mạnh, người dân cũng hưởng lợi khi có thêm công ăn việc làm.

Dự kiến, doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng 24.000 tỷ đồng từ chính sách giảm thuế VAT cho 6 tháng cuối năm nay.

Khánh Vân

Báo Lao động Xã hội số 80

Tin liên quan