Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Giúp người cao tuổi sử dụng mạng xã hội an toàn

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok… đã và đang tạo ra nhiều cơ hội tích cực nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và cạm bẫy cho người cao tuổi (NCT). Do vậy, con cháu trong gia đình cần thường xuyên hỗ trợ NCT việc sử dụng điện thoại, Internet, thiết bị thông minh nhằm tránh bị các đối tượng lừa đảo.

NCT sống tích cực nhờ công nghệ số

Ông Bùi Đức Tâm (Quảng Ninh) năm nay đã 84 tuổi nhưng sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo rất thành thạo. Ông cho biết, làm quen với mạng xã hội cách đây 5 năm, ông như trẻ ra và năng động hoạt bát hơn. Hàng ngày, ông được kết nối, trò chuyện với các bạn có cùng sở thích thơ văn trên khắp cả nước nên cuộc sống vui và ý nghĩa.

Giúp người cao tuổi sử dụng mạng xã hội an toàn - 1
Người cao tuổi cần thận trọng khi sử dụng mạng xã hội.

Đặc biệt, từ ngày sử dụng Zalo, ông Tâm thường xuyên được nói chuyện qua video call với con gái và các cháu bên Hàn Quốc. “Mặc dù xa cách về địa lý nhưng các con tôi luôn cảm thấy an tâm khi hàng tuần đều có thể trò chuyện, nhìn thấy bố mẹ khỏe mạnh”, ông Tâm chia sẻ.

Từ khi được con gái sắm cho chiếc điện thoại thông minh, bà Nguyễn Thị Vân (75 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã sử dụng thành thạo các ứng dụng về mạng xã hội, app ngân hàng và các ứng dụng mua sắm trực tuyến trên Shopee, Lazada.

 “Tôi vừa mua được đồ dùng cần thiết trên Shopee với giá rẻ hơn nhiều so với mua trong siêu thị. Mua sắm trực tuyến vừa rẻ, vừa tiện lợi, lại không phải sếp hàng”, bà Vân phấn khởi cho biết.

Mới đầu, bà Vân còn e ngại và cảm thấy khó sử dụng nhưng chỉ sau hai tuần được con gái và các cháu “cầm tay chỉ việc”, đến nay chiếc điện thoại thông minh luôn là “vật bất ly thân” đối với bà. Đi đâu, làm gì bà cũng chụp ảnh, quay video để khoe với bạn bè trên Facebook. Hiện bà Vân còn là trưởng nhóm tập khí công tại khu dân cư.

“Mỗi lần lên lịch tập, kêu gọi hay chia sẻ kiến thức, kỹ năng tập khí công và nhiều thông tin bổ ích khác đối với bạn bè, tôi chỉ cần nhắn hoặc chia sẻ lên nhóm Zalo, rất tiện lợi”, bà Vân hồ hởi nói.

Cảnh báo nguy cơ người già bị lừa đảo trên môi trường số

Kết nối Internet đồng nghĩa với việc người dân tham gia hoạt động trên cả môi trường thực và môi trường số. Môi trường này tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro, đặc biệt là đối với đối tượng yếu thế như người già. Đó là nguy cơ về lây nhiễm mã độc, lộ lọt thông tin cá nhân, lừa đảo, bị làm phiền bởi các cuộc gọi rác, tin nhắn rác…

Theo Bộ Công an và Bộ TT&TT, thời gian qua, NCT là đối tượng, mục tiêu “tấn công” của tội phạm mạng. Các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhắm vào đối tượng NCT là lừa đảo “combo du lịch” giá rẻ; giả danh công an, kiểm sát viên, cán bộ tòa án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay tín dụng;

Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp, bảo hiểm ngân hàng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng, dẫn dụ đầu tư, nhận bưu phẩm, tung tin giả về cuộc gọi mất tiền hay lừa đảo cho số đánh đề…

Điển hình như bà Vũ Thị N. (ở xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) bị kẻ lạ mặt giả mạo công an mời kết bạn qua Zalo và thông báo bà thuộc diện nghi vấn trong đường dây buôn người sang nước ngoài, buôn bán ma túy. Sợ hãi và tin thật, bà N. đã chuyển cho kẻ xấu 195 triệu đồng để giúp bà tại ngoại.

Với thủ đoạn tương tự, bà Nguyễn Thị K. (72 tuổi, ngụ quận Gò Vấp)... cũng bị lừa hơn 50 triệu đồng.

Trước đó, cũng tại Hải Dương, một NCT bị đối tượng lừa đảo giăng bẫy khiến bà đến ngân hàng mở tài khoản và nộp vào đó hơn 1,8 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đã bị kẻ xấu chiếm đoạt.

Anh Trần Hà (40 tuổi, ở thị trấn Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Anh chị em tôi đều ở riêng, nên tôi đã mua điện thoại thông minh, kết nối Facebook, Zalo cho ông bà thuận tiện trong việc gọi điện thoại không mất tiền cho con cháu và kết nối giao lưu với bạn bè trên mạng xã hội. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề nảy sinh khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. Bố tôi bị kẻ xấu lừa tiền.

Chỉ qua những dòng tin nhắn làm quen của một người không quen biết trên Facebook một thời gian ngắn, ông đã đi vay mượn đủ 15 triệu đồng đối tượng yêu cầu “nộp thuế 10%” để mong nhận món quà giá trị lớn từ nước ngoài gửi về. Mẹ tôi thì hay xem livestream bán hàng, bị hấp dẫn bởi lời quảng cáo và liên tục đặt mua hàng kém chất lượng chuyển đến tận nhà.

Tôi đã cảnh báo nguy cơ lừa đảo cũng như giảng giải kỹ về cách sử dụng Facebook sao cho an toàn nhưng bố mẹ không nghe. Chỉ khi bị mất tiền thì ông bà mới tin những lời tôi nói”.

Ông Nguyễn Phú Lương, Phó giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin) cho biết: Nhiều NCT thiếu khá nhiều kỹ năng trên Internet và có xu hướng giấu con cháu khi bị lừa đảo trực tuyến. Kẻ xấu lợi dụng tâm lý này và chúng thường nhắm đến người có khoản tài chính tích lũy cố định.

Để phòng tránh chiêu trò lừa đảo tài chính NCT trên mạng, ông Lương khuyến cáo, NCT phải luôn cẩn thận và kiểm tra, kiểm chứng mọi thông tin. Khi gặp bất kỳ vấn đề vướng mắc gì hãy chia sẻ với con cháu, vì người trẻ thường có kiến thức và kỹ năng sử dụng Internet. Ngoài ra, NCT cần thường xuyên để ý thông tin từ ti vi, báo đài, cơ quan truyền thông chính thống để cập nhật những hình thức lừa đảo mà đối tượng sử dụng.

Về phía con cháu trong gia đình cần hỗ trợ NCT việc sử dụng  điện thoại, Internet, thiết bị thông minh nhằm tránh bị các đối tượng lừa đảo.

Theo số liệu thống kê của Bộ TT&TT, tính tới tháng 9/2023, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam chiếm khoảng 78,59% dân số cả nước. Trung bình người Việt Nam dành 7 tiếng mỗi ngày tham gia các hoạt động liên quan đến Internet.

Trong đó, gần 20% người sử dụng Internet là NCT. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là NCT có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của trò lừa đảo tinh vi do cả tin và thiếu kỹ năng cần thiết.

An Nhiên

Báo Lao động Xã hội số 51