Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Tiềm năng từ nền kinh tế “bạc”

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Có thể nói sự già hóa dân số không chỉ là những thách thức mà điều này cũng là "cơ hội vàng" để Việt Nam phát triển nền kinh tế "bạc".

Việt Nam đang là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2036, nước ta chính thức bước vào thời kỳ dân số già, người từ 60 tuổi trở lên có thể chiếm tới 25% tổng dân số vào năm 2050. 

Cơ hội phát triển

Theo số liệu từ tổng điều tra dân số, năm 2019 số người từ 60 tuổi trở lên tại Việt Nam là 11,41 triệu, tăng gấp gần 3 lần sau 40 năm, chiếm 11,89% dân số. Dự báo đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên đạt hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số.

Đến năm 2039, dự báo số lượng người cao tuổi ở Việt Nam vượt quá số lượng trẻ em.

Tiềm năng từ nền kinh tế “bạc” - 1
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngày càng tăng trong nền kinh tế bạc.

Nói về kinh nghiệm phát triển nền kinh tế “bạc” ở Việt Nam, TS, luật sư Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho biết, năm 2020, thị trường toàn cầu cho sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi ước tính đạt giá trị khoảng 15.000 tỷ USD.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chứng kiến tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế bạc, do tốc độ già hóa dân số nhanh chóng ở các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Nền kinh tế “bạc” tác động đến nhiều lĩnh vực của kinh tế: giải trí, giao thông, thực phẩm, an ninh, y tế, nhà ở, bảo hiểm, dịch vụ kỹ thuật số...

Rất nhiều lĩnh vực, ngoài giá trị xã hội, còn tạo ra cơ hội đầu tư, khởi nghiệp, tạo việc làm.

Theo bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Dân số, Tổng cục Dân số (nay là Cục Dân số - Bộ Y tế), tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là khoảng 73,7 tuổi nhưng khoảng 95% người cao tuổi mắc ít nhất 1 bệnh.

Trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh, đa số là bệnh lý mạn tính nên nhu cầu chăm sóc y tế dài hạn của người cao tuổi ngày càng tăng cao. 

Những năm gần đây, chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngày càng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Các địa phương trong cả nước đã cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án cụ thể để từng bước quan tâm đầu tư hơn nhằm chăm sóc, nâng cao chất lượng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng và tình hình thực tế của nhóm dân số này. Hệ thống cơ sở chăm sóc người cao tuổi đã bước đầu hình thành phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước song vẫn chưa bắt kịp với tốc độ chuyển đổi nhân khẩu học và cơ cấu dân số. Hiện cả nước chỉ có 49/63 bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố có khoa lão.

Từ góc độ thị trường tiêu dùng, theo Báo cáo nghiên cứu thị trường các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc phối hợp thực hiện năm 2021, thị trường dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam có tiềm năng cao, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, mức độ đáp ứng của thị trường ở mức rất khiêm tốn hoặc còn nhiều bất cập.

Khảo sát trong báo cáo nêu trên cho thấy 3 nhu cầu cao nhất của người cao tuổi là vận động, thể thao; mạng lưới cơ sở điều trị y tế có chất lượng và được cung cấp dinh dưỡng theo chế độ phù hợp với cơ thể. Tuy nhiên, việc đáp ứng các nhu cầu của người cao tuổi vẫn còn hạn chế.

Cụ thể ở nhu cầu đầu tiên, cứ 10 người thì 7 - 8 người có nhu cầu, nhưng lại chỉ 3 người thấy ở địa phương có cơ sở, địa điểm hay dịch vụ (29%). Nhu cầu thứ hai, chỉ 14% người được khảo sát biết được mạng lưới cung ứng dịch vụ chuyên biệt cho người cao tuổi này ở địa phương mình.

Tình trạng cung ứng nhu cầu thứ ba phức tạp hơn, bởi số lượng sản phẩm thực phẩm chức năng tương đối đa dạng, được quảng bá tràn lan, thiếu thông tin về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng cho “nền kinh tế bạc”

Khảo sát của Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (BVI) cho thấy đến cuối năm 2021, Việt Nam chỉ có khoảng 80 cơ sở chăm sóc người cao niên; chỉ 32/63 tỉnh, thành có nhà dưỡng lão và hầu hết do khu vực tư nhân đầu tư. Chính phủ đặt mục tiêu mỗi tỉnh, thành có ít nhất một nhà dưỡng lão vào năm 2025.

TPHCM là đô thị lớn nhất nước, có hơn 1 triệu người trên 60 tuổi. Thành phố có 20 cơ sở trợ giúp và chăm sóc người cao tuổi, trong đó 7 cơ sở là công lập và 13 ngoài công lập.

Trong số 13 đơn vị ngoài công lập, 6 cơ sở miễn phí do có đóng góp của các nhà hảo tâm, còn lại là thu phí. Đầu tháng 8/2024, Viện dưỡng lão Tâm An là đơn vị ngoài công lập, có thu phí thứ 8 được cấp phép tại TPHCM.

Không chỉ các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn thiếu mà ngay cả sản phẩm dinh dưỡng dành cho người cao tuổi cũng chưa được doanh nghiệp chú trọng. Khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam với 30.000 người cho thấy, sản phẩm và dịch vụ cho người cao tuổi chưa được doanh nghiệp quan tâm.

Trong đó, có đến 43% số người được hỏi cho rằng quá khó để kiếm được sản phẩm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho đối tượng này.

Thực tế tại các siêu thị cũng cho thấy có quá ít sản phẩm riêng biệt dành cho người cao tuổi. Nhiều nhất hiện nay là nhóm sữa dinh dưỡng nhưng sữa dành cho người cao tuổi chỉ chiếm khoảng 10 - 15% trong tổng số các mặt hàng sữa bán ở siêu thị.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food công nhận rằng, hiện có rất ít sản phẩm chuyên biệt dành cho người cao tuổi. Ở nước ngoài, đặc biệt là tại Nhật, sản phẩm dành cho người cao tuổi có mặt khắp mọi nơi, từ tàu điện ngầm, siêu thị... và trên các kênh truyền hình, phim ảnh, sản phẩm của người cao tuổi rất nhiều.

Trong khi đó, tại Việt Nam, người cao tuổi không được dùng sản phẩm theo ý mình mà đa phần là con cháu mua cho.

Vì thế, dù đã đầu tư sản xuất nhưng "Công ty vẫn chưa dám đưa dấu hiệu nhận biết sản phẩm trên bao bì. Vì nếu ghi đây là sản phẩm dành cho người cao tuổi thì lại tự hạn chế đối tượng người dùng, những người trẻ sẽ không mua sản phẩm", bà Lâm nói.

TS, luật sư Đoàn Văn Bình cho rằng, để khơi gợi được tiềm năng từ nền kinh tế bạc tại Việt Nam, trước hết cần có tầm nhìn, nhận thức chính xác, đầy đủ về nhu cầu, động lực, định hướng của nền kinh tế bạc.

Sự trỗi dậy của nền kinh tế bạc phản ánh sự đánh giá lại của xã hội đối với người cao tuổi, xã hội không còn coi họ chỉ là gánh nặng kinh tế mà thay vào đó ghi nhận sự đóng góp của họ cho xã hội và tiềm năng của họ với tư cách là người tiêu dùng.

Thời gian tới cần tiếp tục xây dựng các chính sách tổng hợp hướng tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, phát huy vai trò của họ trong xã hội và khai thác các tiềm năng kinh tế từ nhóm này. 

Các chính sách về nền kinh tế bạc nên được xây dựng với nội dung trọng tâm là nhấn mạnh vai trò của nền kinh tế bạc, định hướng các lĩnh vực ưu tiên phát triển, các chính sách hỗ trợ đối với nền kinh tế bạc tại Việt Nam.

“Những chính sách này không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của người cao tuổi mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận một thị trường tiềm năng để nền kinh tế bạc trở thành động lực mới cho sự phát triển của Việt Nam”, TS, luật sư Đoàn Văn Bình nhấn mạnh. 

Khái niệm nền kinh tế “bạc” bao gồm mọi hoạt động kinh tế liên quan đến tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của những người từ 50 tuổi trở lên, đang trở thành xu hướng tất yếu khi dân số toàn cầu ngày càng già hóa. 

Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tại Nhật Bản những năm 1970, quốc gia có tỷ lệ người trên 65 tuổi cao nhất thời bấy giờ, để chỉ thị trường dành cho người cao tuổi với các lĩnh vực đa dạng như y tế, ngân hàng, ô tô, nhà ở, viễn thông, giải trí và du lịch.

Phương Anh

Báo Lao động và Xã hội số 3