Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Nội hạn chế xe xăng tại khu vực phát thải thấp: Cần lộ trình hợp lý

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Ôtô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe môtô, xe gắn máy... chạy bằng xăng, dầu dự kiến bị hạn chế tại một số khu vực ở Hà Nội từ năm 2025.

Theo các chuyên gia, việc hạn chế và tiến tới cấm xe máy lưu thông trong nội đô là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, đòi hỏi một lộ trình phù hợp gắn liền với những giải pháp đồng bộ và nhân văn.

Hạn chế phương tiện gây ô nhiễm

Từ năm 2017, HĐND thành phố Hà Nội đã đặt ra nghị quyết hạn chế phương tiện giao thông ở một số khu vực ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay hầu hết mục tiêu lớn trong nghị quyết chưa được triển khai hoặc chưa có lộ trình cụ thể như cấm xe máy ở các quận, thu phí phương tiện vào nội đô.

Hà Nội hạn chế xe xăng tại khu vực phát thải thấp: Cần lộ trình hợp lý - 1
 Hà Nội có hơn 6 triệu xe máy.

Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nêu khái niệm ''vùng phát thải thấp'' (LEZ) là khu vực được xác định để hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Nhằm cụ thể hóa quy định tại luật này, UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn.

Theo đó, Hà Nội sẽ thí điểm mô hình vùng phát thải thấp và hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại khu vực nội đô từ đầu năm 2025, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Thành phố đưa ra 6 tiêu chí để xác định khu vực hạn chế phát thải. Theo tiêu chí này, 12 quận nội thành gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông sẽ nằm trong khu vực hạn chế phát thải.

5 quận dự kiến thành lập trong giai đoạn 2020 - 2025 gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng và thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai) dự kiến đưa vào khu vực hạn chế.

Các khu vực hạn chế phát thải sẽ được áp dụng biện pháp hạn chế giao thông phù hợp. Trước mắt, Hà Nội khuyến cáo các quận, huyện cấm lưu hành xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên phương tiện giao thông đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên và đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định; hạn chế, có thu phí đối với phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn khí thải dưới Euro 4 và không đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định.

Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp sẽ được ưu tiên áp dụng lộ trình (12 tháng) để chuyển đổi phương tiện phát thải thấp hoặc đạt quy chuẩn phát thải cho phép.

Cần có lộ trình phù hợp

Theo thống kê của Sở GTVT, thành phố có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó hơn 6 triệu xe máy. Xe gắn máy không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại mà còn là phương tiện mưu sinh của rất nhiều người.

Chính vì vậy, việc đề xuất hạn chế xe máy vào nội đô khiến người mừng, người lo. Mừng vì chất lượng không khí sẽ trong lành hơn, đường phố bớt ùn tắc. Còn lo nhất là đội ngũ những người mưu sinh bằng xe máy lên tới hàng triệu người.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội, việc xác định vùng phát thải thấp và hạn chế xe máy trong những vùng này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần phải xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp…

“Hà Nội có thể thử nghiệm kiểm soát vào năm 2025 ở khu vực trung tâm thành phố, cụ thể là quận Hoàn Kiếm với việc thu phí ô tô, xe máy. Đồng thời phát triển các tuyến xe bus sạch giá rẻ, chạy ưu tiên kết nối các phương tiện giao thông công cộng.

Thu phí cao khi đỗ xe trong trung tâm bằng thu phí tự động. Cùng với đó, khuyến khích xe ôm công nghệ, shipper chạy xe điện hoặc nhiên liệu sạch… Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hiệu chỉnh chính sách”, ông Ánh đề xuất.

PGS, TS Bùi Thị An, nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội rất ủng hộ mục tiêu của Hà Nội trong việc xây dựng vùng phát thải thấp. Tuy nhiên, bà An cho rằng, cần phải xây dựng lộ trình cụ thể.

Theo đó, Hà Nội cần đánh giá tác động vào xã hội khi thực hiện mục tiêu này. Bởi khi cấm xe cá nhân thì phải có xe thay thế, phương tiện công cộng phải sạch, tiện lợi, có tính kết nối cao hơn.

Còn theo chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hai vấn đề cốt lõi để thực hiện được việc cấm xe máy trong nội đô là chuyển đổi nghề nghiệp cho những người mưu sinh bằng xe máy và tăng cường phương tiện giao thông công cộng. Bên cạnh đó cần thay thế dần xe chạy xăng bằng xe sử dụng nhiên liệu xanh, sạch, xe điện…

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 135